Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột từng bước lập lại trật tự xây dựng

08:13, 11/07/2023

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng, nhưng tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn diễn ra khá phức tạp.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để từng bước lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, thời gian qua UBND TP. Buôn Ma Thuột đã quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, trật tự xây dựng trên toàn thành phố.

Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc thành phố, Tổ kiểm tra 6666 (kiểm tra việc thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, đất đai) nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động trong công tác phối hợp, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép ngay từ ban đầu.

Thành phố cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan để xảy ra các công trình xây dựng vi phạm mà không phát hiện, xử lý kịp thời nếu để xảy ra từ hai trường hợp trở lên xây dựng vi phạm, sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã Cư Êbur.

Nhờ có các biện pháp “mạnh tay”, hiện nay công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu chính quyền địa phương, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ quản lý về trật tự xây dựng, đất đai đã nâng cao trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích. Điều quan trọng hơn cả là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng, đất đai của người dân đã có những chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của UBND TP. Buôn Ma Thuột, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã kiểm tra 830 công trình trên địa bàn và phát hiện 110 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó đã ban hành 79 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (giảm 73 quyết định so với cùng kỳ năm 2022), đến nay đã có 62 trường hợp chấp hành nộp phạt với tổng số tiền hơn 610 triệu đồng. Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính giảm gần 50% so với cùng kỳ đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong công tác quản lý xây dựng.

Xây dựng trái phép vẫn còn âm ỉ

Theo đánh giá của UBND TP. Buôn Ma Thuột, tuy công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được UBND các phường, xã xử lý kịp thời như tại địa bàn xã Hòa Thắng, xã Cư Êbur… Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có 97 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và vi phạm khác về đất đai; 3 trường hợp xây dựng không phép và 12 trường hợp xây dựng sai phép trên đất ở.

Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Ea Tam.
 

Hiện nay, chỉ tiêu đất ở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương và Nhà nước cũng chưa có chế độ đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn âm ỉ”.

 
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn ra trên địa bàn một phần là do một số phường, xã của thành phố có địa bàn quản lý rộng, có các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế nên có các hành vi lôi kéo người dân tụ tập tại công trình xây dựng trái phép để chống đối lực lượng chức năng như tại buôn Cuôr Kắp (xã Hòa Thắng). Đồng thời, UBND một số phường, xã chưa thực sự nâng cao trách nhiệm và chủ động trong chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai. Việc xử lý vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả còn chậm, kéo dài. Thêm vào đó, trình độ, năng lực của một số công chức, người lao động của UBND các phường, xã còn hạn chế và chưa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên thì tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố cũng có nhiều nguyên nhân đến từ các quy định mang tính pháp lý. Cụ thể, quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn chưa có chế tài cụ thể về biện pháp ngăn chặn đối với những trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã bị xử lý. Nghị định 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai không quy định thẩm quyền xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các cấp nên không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 2 Điều 08 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, ngày 23/12/2021 của Chính phủ. Hơn nữa, việc quy hoạch đô thị và lập kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn chậm, thiếu đồng bộ, trong khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, giao dịch về bất động sản ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Đồng thời người dân từ các địa phương đổ về thành phố để lao động, làm việc dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao, các quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất không còn phù hợp với tình hình thực tế nên tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, không phép vẫn xảy ra.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc