Multimedia Đọc Báo in

Kiên định với quy hoạch

08:47, 04/06/2023

Việc chính quyền TP. Buôn Ma Thuột công bố 16 công trình, dự án đầu tư công và thu hút đầu tư chưa đưa vào quy hoạch đến năm 2025 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước đó, TP. Buôn Ma Thuột từng thông tin chủ trương sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 căn cứ quy hoạch chung theo Quyết định số 249/QĐ-TTg, ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, với 59 khu vực, công trình, dự án cần cập nhật, chỉnh sửa, hoặc loại bỏ. Điều này cũng gây xôn xao dư luận vào những tháng trước, và thái độ của địa phương là phải kiên định với quy hoạch.

Qua giải thích của chính quyền, và sự góp ý của nhiều hướng tư vấn, có thể thấy nổi bật ba lý do để TP. Buôn Ma Thuột cũng như tỉnh Đắk Lắk phải kiên định với thông tin quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Tỏ rõ lý do kiên định

Thứ nhất, đây là kết quả, là thực tiễn triển khai, tổ chức quy hoạch và giám sát quy hoạch địa bàn. Có thể nói, trước đây, trong bối cảnh chung, quy hoạch các địa phương còn những biểu hiện lơi lỏng, sai lệch từ văn bản đến thực tiễn triển khai. Không ít dự án, bản đồ quy hoạch phân vùng trong quá trình thực thi, chịu tác động chuyển nhượng, cấu trúc lại từ các dự án… đã bị chỉnh sửa so với thiết kế ban đầu, dẫn đến những thông số trùng lắp, chênh lệch với thực địa, khiến việc quản lý của chính quyền, các cơ quan chức năng không được chặt chẽ.

Định vị rõ những khu vực đất ở đô thị tại các khu dân cư sẽ giúp chính quyền tỉnh Đắk Lắk kiên định hơn trong quản lý quy hoạch địa phương.

Do đó, hơn 10 năm qua, chính quyền đã chủ trì chấn chỉnh, rà soát lại quy hoạch, nhằm đảm bảo quản lý không gian phát triển các đô thị, địa bàn cơ sở nhất quán, đúng yêu cầu kiểm soát an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và đầu tư địa phương. Kết quả có quyết định chính thức từ Trung ương về công tác quy hoạch, phân loại vùng quy hoạch và các vấn đề liên quan, là đúc kết quá trình chấn chỉnh đó. Địa phương khi đã công bố, cần tuân thủ, hạn chế chỉnh sửa, thay đổi quy hoạch chi tiết, không làm ảnh hưởng đến toàn cảnh quy hoạch chung.

Thứ hai, những con số, dự án theo quy hoạch, thực chất là số liệu khoa học đã khảo cứu, đánh giá kỹ lưỡng của các cấp quản lý nhằm đạt mục tiêu sắp xếp, cấu trúc lại quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đã là yêu cầu cấu trúc, chỉnh trang, việc quy hoạch chắc chắn phải có va chạm, xung đột với thực tiễn quản lý ở quá khứ. Nhất là ở những khu vực đô thị, vùng giáp ranh phát triển giữa đô thị và nông thôn, những khu hạ tầng đầu tư tập trung nhiều dự án phát triển mới, kể cả canh tác sản xuất lẫn xây dựng nhà ở đô thị, mâu thuẫn chỉ số đầu tư, giá cả nhà đất thị trường tự do… sẽ xuất hiện. Cụ thể sẽ có những tiểu vùng dân cư hình thành tự phát qua chuyển đổi đất đai địa bàn, những dự án xúc tiến đầu tư bộc lộ kém hiệu quả bị bỏ hoang, những công trình kinh tế - xã hội kém hiệu quả bị xuống cấp… Việc chỉnh trang theo đúng quy hoạch với các cơ sở, thực địa ấy rất cần thiết, phải mạnh dạn tranh luận, tuyên truyền, chỉ ra những sai phạm, lơ là từ trước, đòi hỏi phải cấu trúc, trả lại nguyên trạng đất đai đúng quy hoạch, để đảm bảo yêu cầu về chiến lược phát triển, mục tiêu an ninh quốc phòng, kinh tế, và riêng với Đắk Lắk, là an ninh lương thực và nông nghiệp canh tác.

Tinh thần của địa phương là tiếp tục lắng nghe, đối chiếu giữa chủ trương quy hoạch lớn với thực tế cơ sở, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quy hoạch chung, không để các dự án, tiểu khu quy hoạch biến đổi làm phá vỡ cái chung. Do đó, đi dần từng bước, TP. Buôn Ma Thuột vẫn phải giữ vững và làm rõ công tác quy hoạch, chỉnh trang quy hoạch tại địa bàn, không khoan nhượng thỏa hiệp với những sai lệch, quá độ từ quá khứ.

Cần sự đồng thuận

Thứ ba, việc tổ chức quy hoạch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan quản lý chức năng, mà phải là hệ quả kết nối, đồng thuận quan tâm và thực thi của toàn xã hội. Do đó, vai trò giám sát, phản ảnh, đối thoại giữa người dân với các cơ quan tổ chức, tham mưu quy hoạch rất quan trọng. Không thể chủ quan một chiều, lúng túng điều chỉnh lại quy hoạch từ cơ sở, song cũng không thể áp đặt chủ quan hoàn toàn các thông số quy hoạch từ trên. Qua đối thoại, thực chứng, và nhất là tuyên truyền vận động, giải thích rõ tính khoa học, cần thiết trong phân định quy hoạch, chính quyền và các cấp quản lý địa phương phải vận động người dân hiểu thấu, nắm bắt đúng tinh thần quy hoạch, chỉnh trang theo quy hoạch. Theo chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột, việc phối hợp giữa vận động và thực thi quy hoạch này, phải dựa trên một yêu cầu: luôn bảo đảm quyền lợi chính đáng, thiết thực của người dân, hợp nhất với tầm nhìn và trách nhiệm quy hoạch chung. Tất cả phải đi từng bước, và phải được triển khai với tinh thần minh bạch, tỏ tường nhất.

Có thể nói, quy hoạch đang là vấn đề "nóng" của cả nước, khi các tỉnh thành đều phải tiến hành rà soát, tổ chức lại công tác quy hoạch phát triển, từ sử dụng đất, phân vùng phát triển xã hội, cho đến bố trí các không gian đô thị, không gian kinh tế, chính trị quốc phòng… Hoạt động thanh tra, rà soát của các cơ quan quản lý chức năng từ cấp bộ, Trung ương về các địa phương thời gian qua đang tác động mạnh đến tiến trình kiểm tra, thực thi chủ trương quy hoạch này.

Với một địa phương như Đắk Lắk, những đặc điểm bản địa, thực tiễn cơ sở lâu nay cũng đã đặt ra nhiều yêu cầu về chỉnh đốn, siết chặt quy hoạch và giám sát quy hoạch. Do đó, với ba lý do như đã nêu, tỉnh cần tỏ rõ tinh thần quản lý minh bạch và chặt chẽ hoạt động quy hoạch tại địa bàn. Đây cũng là tiền đề khởi động vấn đề giám định, tổ chức quy hoạch cơ sở, từ đó giúp việc triển khai các dự án đầu tư, xúc tiến đầu tư vào Đắk Lắk ngày một hiệu quả hơn nữa.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc