Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể (Kỳ 1)

08:36, 26/09/2022

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 trên địa bàn Đắk Lắk, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã bước đầu có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những "điểm nghẽn" cần xóa bỏ nhằm tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực kinh tế này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kỳ 1: “Kim chỉ nam” cho kinh tế tập thể

Sau một thời gian dài, KTTT mà hạt nhân là HTX “ngắc ngoải” vì không thoát được “dấu ấn” của HTX kiểu cũ thì Nghị quyết số 13-NQ/TW ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế này, giúp các HTX kiểu mới cất cánh, hội nhập vào xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới.

Loay hoay với câu chuyện đổi mới HTX

Trước khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW, trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đắk Lắk khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Tuy nhiên, dù đã có sự quan tâm nhất định đến hình thức KTTT, HTX nhưng sự nhìn nhận về vai trò của hình thức kinh tế này đối với động lực phát triển của tỉnh vẫn chưa thật sự đúng mực.

Nhìn nhận được những hạn chế đó, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 24/5/1996 của Ban Bí thư về phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, tháng 6/1997, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “Phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành kinh tế”. Theo đó, Nghị quyết xác định tùy tình hình và yêu cầu từng nơi mà xây dựng các tổ chức kinh tế hợp tác từ thấp đến cao; có hợp tác một khâu hoặc nhiều khâu; có hợp tác đơn giản, “lỏng”, tạm thời hoặc hợp tác chặt chẽ thành doanh nghiệp; có hợp tác vừa góp vốn, góp sức hoặc chỉ góp vốn không góp sức; có hợp tác sản xuất tập trung hoặc hợp tác chỉ làm dịch vụ cho hộ xã viên…

Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao của Hợp tác xã Thành Công, xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy, chính quyền đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi và đăng ký HTX. Năm 1999, có 130 HTX được chuyển đổi hoặc thành lập mới; hơn 200 HTX “kiểu cũ” còn lại đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được vì nhiều lý do khác nhau. Những HTX đã chuyển đổi bước đầu hoạt động có hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có 9% số đơn vị làm ăn có hiệu quả, được xã viên đồng tình ủng hộ, gắn bó xây dựng HTX. Trong khi đó, nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền chưa sâu sắc, tổ chức chỉ đạo còn lúng túng nên trong quá trình triển khai chuyển đổi, đăng ký HTX còn rất chậm và lúng túng.

Không thích nghi được với mô hình kiểu mới, Hợp tác xã Muối I ốt Hòa Tiến (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đã phải giải thể.
 

Với sự sát sao, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị đã chủ động cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch của đơn vị mình để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu phát triển KTTT, HTX tại địa phương. Các cấp, các ngành đã có những giải pháp áp dụng sáng tạo, phù hợp trong hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý cũng như đã thu hút được người dân quan tâm và tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế hợp tác trong khu vực KTTT, HTX".

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh      Y Giang Gry Niê Knơng

Một trong những minh chứng rõ nét cho HTX “kiểu cũ” thời kỳ này có thể nhắc đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana). Được thành lập từ năm 1982, là HTX đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh và cũng là điển hình của HTX “kiểu cũ”. Theo Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I Đoàn Công Bình, thời kỳ đó, một quãng thời gian khá dài sau khi thành lập, HTX này thực chất cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”, hoạt động trên cơ sở tập đoàn sản xuất chuyển qua và chủ yếu làm dịch vụ công ích cho xã viên. Do đó, dù có nền tảng, tiềm năng rất lớn nhưng vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế còn mờ nhạt và chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thành viên. Hình thức hoạt động của các HTX nhìn chung không thay đổi so với trước đây.

“Cởi trói’ cho kinh tế tập thể

Nhận thấy, để KTTT, HTX phát triển và phát huy đúng “tầm” nhiệm vụ của nó trong nền kinh tế hội nhập, đòi hỏi phải có chủ trương lớn, mang tính chiến lược cho loại hình kinh tế này. Chính vì vậy, ngày 18/3/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Theo đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định KTTT cùng kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, lấy tổ hợp tác, HTX làm chủ đạo cho phát triển kinh tế nông thôn. KTTT dựa trên sở hữu của thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực, địa bàn. KTTT hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ; lấy lợi ích tập thể làm chính. Phát triển KTTT được thực hiện theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

 Đặc biệt, Luật HTX năm 2012 được ban hành tạo hành lang pháp lý cho HTX phát triển. Đối với những HTX hoạt động không đúng bản chất, kém hiệu quả phải giải thể để thanh lọc, nâng cao năng lực nội tại.

Hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ở nhiều hợp tác xã.

Trên cơ sở Nghị quyết số 13-NQ/TW, Đắk Lắk cũng đã ban hành hàng loạt nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động… để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu, cách thức triển khai nghị quyết này. Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế HTX tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan làm thành viên để chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT tỉnh. Đồng thời, 15/15 huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KTTT cấp huyện để giúp UBND huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các HTX trên địa bàn quản lý. Điều này đã giúp “cởi trói” cho loại hình KTTT, HTX thoát khỏi vòng “luẩn quẩn”, phát triển mang tính bứt phá. Từ sự thay đổi nhận thức đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ở nhiều địa phương đã thấy được sự cần thiết của phát triển KTTT; phát triển KTTT chính là tạo điều kiện cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những bước “chuyển mình”

Cao Minh Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.