Multimedia Đọc Báo in

Ba bước định vị đô thị nông sản

07:09, 25/09/2022

Đắk Lắk vừa thúc đẩy hướng phát triển nông nghiệp công nghệ bền vững bằng sự kiện lễ ký kết, xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên ở huyện Krông Pắc.

Theo đó, một lộ trình đầu tư, cải tổ chính năng lực sản xuất, xuất khẩu nông sản địa phương sẽ phải thành hình; mà điểm nhấn quan trọng phải thiết lập được, chính là những đô thị nông sản, hạt nhân thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong phát biểu tại lễ ký kết xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Đắk Lắk đã nhìn nhận, cơ hội để hội nhập nông sản chất lượng vào thị trường lớn nhất thế giới và cũng là tiền đề mở rộng ra các thị trường khó tính khác là rất lớn. Quan trọng là, giữa các tổ chức kinh doanh, quản lý, canh tác và nghiên cứu khoa học cần phải xác định quyết tâm “đi cùng nhau” để biến cơ hội thành hiện thực, biến những lý thuyết hợp tác thành thành quả thực hành.

Một lộ trình kết nối…

Từ quan điểm của người lãnh đạo đầu ngành, có thể thấy, nông nghiệp Đắk Lắk và Tây Nguyên phải biết chấp nhận một lộ trình kết nối phát triển mới. Đó là tổ chức lại, định vị lại những vùng trồng nông sản, với diện tích, sản lượng… được khảo sát, đánh giá đầu tư và triển khai canh tác hướng đến ứng dụng công nghệ, khoa học hiệu quả hơn. Đó là hình thành những chuỗi liên kết, cung ứng theo mô hình logistics hoàn bị, đáp ứng những tiêu chuẩn thị trường và cân đối được nhu cầu, nguồn lực đầu tư ở nông dân. Đó là củng cố, bồi dưỡng năng lực canh tác, chuyển đổi nhận thức, kiến thức nuôi trồng cho nông dân, biến họ thành những chuyên gia nông nghiệp thực thụ trong địa hạt chuyên canh của mình, từ đó nâng tầm chất lượng, giá trị và cơ hội cho từng loại nông sản.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc nhìn nhận, để có được năng lực kết nối thực thụ trong lộ trình đó, chính quyền địa phương đã rất chủ động để thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, chủ động mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, và nhất là các nhà khoa học nông nghiệp đến với Krông Pắc, mở ra các diễn đàn, chủ đề chuyên sâu về giá trị nông sản đặc thù, như với trái sầu riêng. Chính động thái này đã mở đường, kêu gọi các nhà khoa học đến với huyện, từng bước hỗ trợ thay đổi tình hình đầu tư canh tác.

Tuyển chọn sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.

Quan trọng hơn, theo bà Trinh, đầu tư lộ trình kết nối, lan tỏa các giá trị nông sản của địa phương, cần nhận diện rõ các “then chốt”. Đó chính là những trung tâm tỉnh lỵ, phố thị, chính xác là các đô thị hạt nhân vùng, nơi tập trung cơ sở pháp nhân của các doanh nghiệp đầu tư, nơi tổ chức các mặt bằng thương mại, hoạt động giới thiệu, quảng bá thương hiệu nhà đầu tư, nhà sản xuất… Một khi đầu tư chính xác, nâng tầm những đô thị nông sản, việc kết nối nông sản sẽ đủ cơ sở, hấp lực để thu hút sự theo dõi, tham gia từ bên ngoài.

Ba bước chuẩn bị cho đô thị nông sản

Vậy làm sao để có được những đô thị nông sản đích thực, làm tiền đề, nền tảng cho các hoạt động xúc tiến, đầu tư thương mại nông sản, đưa hàng hóa vào thực tiễn thị trường, nhu cầu tiêu thụ? Ở tầm vóc lớn, những đô thị như TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ rõ ràng đã có đủ tiêu chuẩn thành địa chỉ mời gọi, phát triển đầu tư. Còn những đô thị nhỏ hơn, như thị trấn Phước An (Krông Pắc), Buôn Trấp (Krông Ana) chẳng hạn cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng mới thực sự trở thành đô thị nông sản hiệu quả.

Có ba bước cần thiết để làm được việc này.

Thứ nhất, địa phương, từ cấp cơ sở, phải tiến hành quy hoạch được vùng trồng, định vị được chủng loại nông sản lợi thế của mình để có đề án, chiến lược đầu tư và kêu gọi đầu tư hiệu quả. Càng hướng đến tiêu chuẩn chính ngạch, các yêu cầu này lại càng phải chặt chẽ, và phải tuân thủ những “sân chơi chung” được quy định bởi những thị trường, quốc gia hướng đến xuất khẩu.

Thứ hai, các địa phương phải hình thành, nâng tầm được những khu đô thị, khu dân cư có mặt bằng thương mại, được chỉnh trang, đầu tư bài bản. Cụ thể với Buôn Ma Thuột, cho đến nay, sự hình thành khu cụm đô thị phía bắc đường vành đai phía tây, với các dự án đô thị mới như Eco City, khu đô thị Ân Phú… cho phép thiết lập những vệt mặt bằng thương mại chất lượng, quy củ, là những dãy phố thương mại, nhà phố liền kề phục vụ hoạt động kinh doanh… Qua những điểm nhấn thương mại này, cơ hội khẳng định tầm vóc đô thị, với ý tưởng khai thác chiến lược nông sản giá trị cao, như cà phê, ca cao, sầu riêng… là có thể khẳng định và triển khai đồng bộ.

Thứ ba, khi đã có những khu cụm đô thị thương mại, có những mô hình chợ đầu mối chiến lược, những mặt bằng thương mại lớn, các đô thị nông sản cần tập trung tổ chức tốt các thương hiệu nông sản. Việc hình thành những khu phố bán hàng, siêu thị ở những khu đô thị mới, là hạ tầng tất yếu để thu hút tiêu dùng, thương hiệu doanh nghiệp về quảng bá. Cần có những chiến lược truyền thông, tiếp thị, tạo dựng thương hiệu nông sản chất lượng ở ngay những điểm đô thị này, mới thực sự thu hút được các nguồn đầu tư kinh tế lớn, đa dạng dự án đầu tư, kích thích nhu cầu kinh doanh nông sản hướng đến xuất khẩu giá trị cao, xuất khẩu nông sản chính ngạch…

Bài toán đầu tư các đô thị nông sản, là tâm điểm định vị đầu mối cho thị trường nông sản phát triển, theo ba bước cơ bản này, sẽ được giải đáp hữu hiệu. Hệ quả dĩ nhiên là địa phương có thêm những hạ tầng vững chắc, những đô thị hoạt động đầu tư hiệu quả, nâng cao tầm nhìn chiến lược để ổn định kinh tế, xã hội, đạt đến những con số tăng trưởng vững chắc.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.