Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui với người chăn nuôi heo

08:48, 22/07/2022

Sau thời gian dài trầm lắng, hiện nay, giá heo hơi tại nhiều địa phương trong tỉnh đang bật tăng trở lại.

Có lãi nhưng vẫn “phập phồng”

Những ngày này, giá heo hơi bán ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại trong tỉnh đang có đà tăng, dao động ở mức 60.000 - 62.000 đồng/kg heo hơi.

Tại huyện Krông Pắc, giá heo hơi bán ra đang "nhảy múa" liên tục. Chị Lê Thị Hòa (hộ nuôi heo tại xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) tiếc nuối cho hay, trung tuần tháng 6 âm lịch, chị vừa xuất bán lứa heo gần 30 con, giá chỉ 50.000 đồng/kg hơi. Chỉ trong vòng 2 tuần nay, heo hơi đã tăng lên 10 giá.

Người tiêu dùng TP. Buôn Ma Thuột chọn mua thịt heo tươi sống. 

Sở hữu trang trại chăn nuôi heo với hơn 70 con tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), anh Lê Anh Đức cho hay, heo hơi bán ra tại địa phương mỗi ngày đang tăng 1 - 2 giá khiến người nuôi phấn khởi. Có lứa heo đến kỳ xuất chuồng ngay thời điểm này nhưng anh đang “nghe ngóng” tình hình thị trường, dự tính để thêm một vài ngày tới chờ giá lên thêm rồi bán. Theo nhẩm tính của anh, với mức tăng như hiện nay, người chăn nuôi sẽ có lãi khoảng 1 triệu đồng/con khi xuất bán, trong trường hợp chủ động được công nuôi.

Giá heo hơi tăng kể từ đầu tháng 7 năm nay. Việc giá tăng sẽ giúp nhiều hộ nuôi heo, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phục hồi trở lại. Nhiều người nuôi heo dự báo, giá heo hơi sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dù hoạt động chăn nuôi bắt đầu có lãi trở lại, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa hết khó khăn vì chi phí chăn nuôi tăng quá cao, chưa có điểm dừng, cộng với tình hình dịch tả heo châu Phi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu như tháng nào giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng. Mỗi lần tăng bình quân 8.000 - 10.000 đồng/bao (loại 25 kg) càng gây sức ép chi phí cho người chăn nuôi”, anh Lê Anh Đức chia sẻ.

Điều này cũng khiến nhiều nông hộ e ngại trong việc tăng đàn nhằm đề phòng rủi ro và bớt gánh nặng chi phí. Theo chị Lê Thị Hòa, dù giá đang có đà tăng nhưng sau khi xuất bán lứa heo vừa rồi, chị cũng chỉ gây lại đàn với quy mô 24 con heo thịt mà không dám nuôi thêm, phần thì lo giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng cao nữa, phần thì sợ giá heo hơi bấp bênh khó lường và nỗi lo dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhu cầu thị trường tăng, nguồn cung vẫn bảo đảm

Vì giá heo hơi tăng nên kéo theo giá thịt bán lẻ tại các chợ trên địa bàn cũng tăng theo. Tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, như: chợ trung tâm Buôn Ma Thuột, chợ Tân Thành, Tân An... giá thịt heo bán ra đã tăng 10.000 đồng/kg so với trước. Cụ thể, thịt đùi hiện có giá 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 140.000 đồng/kg, xương suờn heo có giá 155.000 đồng/kg...

Chị Nguyễn Thị Phương (tiểu thương quầy thịt heo tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột) cho hay, giá thịt heo bán ra đã tăng từ hai tuần nay, do giá nhập vào tăng nên giá bán ra cũng tăng theo. Nguyên nhân khiến giá heo tăng được cho là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhu cầu thị trường cộng với chi phí vận chuyển tăng.

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang tăng cao khiến người nuôi heo gặp khó.

Ghi nhận trên thị trường, kể từ khi trạng thái bình thường mới được kích hoạt, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm tươi sống, trong đó có thịt heo đã tăng trở lại. Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, hộ kinh doanh nhập lượng thịt về để chế biến thực phẩm tăng cao hơn hẳn so với thời điểm trước. Tuy nhiên, nguồn cung heo hơi trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm cung ứng ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh.

Đa số nguồn cung thịt heo tươi sống đang cung ứng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đều có nguồn tại địa phương. Theo đại diện Siêu thị Go Buôn Ma Thuột, thịt heo tại siêu thị có lượng tiêu thụ khá tốt, sức mua đang tăng trở lại. Trong khi đó, nguồn cung ứng tại địa phương đến thời điểm này vẫn dồi dào. Hiện tại, nhà cung ứng đã có đề xuất điều chỉnh tăng giá nhưng siêu thị chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán ra, vì đây là mặt hàng thiết yếu, nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Liên quan đến việc cung ứng nguồn thịt, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám mạnh dạn tăng đàn thì bù lại, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm lại có xu hướng đầu tư, phát triển quy mô chuồng trại, lò mổ. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng chuyển dần sang quy mô công nghiệp, hình thành chuỗi liên kết ổn định hơn.

Ông Võ Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, qua hai năm kinh doanh thực phẩm tươi sống, ông nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo tươi sống, an toàn trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Bình quân mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn thịt.

Cùng với việc mở rộng, phát triển 4 cửa hàng bán lẻ tại TP. Buôn Ma Thuột, đầu năm 2022, ông cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo khép kín, lò mổ với công suất 4 tấn/ngày tại huyện Cư Kuin. Việc làm này với mong muốn hình thành chuỗi chăn nuôi khép kín trong sản xuất, tiêu thụ để chủ động nguồn cung, bảo đảm nguồn hàng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có 900.000 con, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng heo hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt khoảng 78.000 tấn.

Ông Côn đánh giá, nhu cầu tiêu dùng thịt heo trên thị trường đang tăng trở lại cộng với tình hình phát triển đàn hiện có thì hiện tại nguồn cung hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh. Sở đang tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất, ứng dụng kỹ thuật cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh để hướng đến mục tiêu chăn nuôi an toàn, bền vững.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.