Multimedia Đọc Báo in

Công ty Cà phê Vương Thành Công: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

08:25, 28/07/2022

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là cách làm được nhiều cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công thực hiện. Hướng đi này không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch Đắk Lắk.

Chọn hướng đi riêng

Sau gần 6 năm dấn thân với cà phê hữu cơ, thương hiệu Cà phê Vương Thành Công (của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công) đã định vị được thương hiệu của mình qua cuộc bình xét, xếp hạng sản phẩm OCOP của Đắk Lắk, với số sao đạt được cao nhất: 4 sao (Đắk Lắk chưa có sản phẩm OCOP 5 sao).

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (bìa trái) giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo Trung ương và tỉnh.

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (gọi tắt là Công ty Vương Thành Công) chia sẻ, bắt đầu bén duyên với cà phê từ năm 2012, sau 5 năm tìm hướng đi riêng, công ty chính thức chuyển đổi từ cà phê vô cơ sang hữu cơ vào năm 2017.

Vì muốn tạo ra sản phẩm cà phê tốt cho sức khỏe cộng đồng nên công ty đã lựa chọn cà phê hữu cơ để phát triển và định vị sản phẩm của mình trong vô vàn sản phẩm cà phê rang xay trên thị trường. Bởi cà phê hữu cơ không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và những kim loại nặng gây hại sức khỏe người dùng, đồng thời tạo ra cà phê có hương vị khác biệt so với cà phê thông thường, nếu phát triển thành công sẽ mang lại lợi nhuận rất cao cho nông dân.

Theo đó, để xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ, Công ty Vương Thành Công đã đi tìm các vườn có thổ nhưỡng tốt, nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp canh tác để liên kết sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ người dân quy trình canh tác cà phê hữu cơ ở tất cả các khâu, từ khâu chăm sóc (không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ) đến khâu thu hoạch, sơ chế (thu hoạch cà phê chín tỷ lệ cao và phơi trên sàn lưới...). Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn đều được công ty bao tiêu với giá cao hơn cà phê canh tác thông thường khoảng 40%. Hiện nay, công ty đã liên kết với 13 hộ dân, 2 hợp tác xã với tổng diện tích 65 ha.

Công ty Vương Thành Công cũng là một doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng nhất trong ngành hàng cà phê. Bên cạnh những dòng cà phê mộc rang xay dành cho pha máy và pha phin, ông Vương còn đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm làm từ cà phê, như: cà phê hòa tan sấy lạnh, rượu vang cà phê, trà cascara (làm từ vỏ cà phê hữu cơ chín), trà hoa cà phê, cà phê làm đẹp từ cà phê hữu cơ… được thị trường đón nhận.

Đặc biệt, đối với dòng sản phẩm cà phê mộc - sản phẩm đạt 4 sao OCOP được chế biến rất công phu từ khâu tuyển chọn những trái cà phê chín chuẩn, sơ chế đến chế biến và rang xay bằng máy rang công nghệ hiện đại, với kỹ thuật rang có trình độ cao, kiểm soát tốt chất lượng từng hạt cà phê nhằm đem lại cho khách hàng hương vị độc đáo, say đắm.

Ngoài đạt 4 sao OCOP, sản phẩm còn đạt được các chứng nhận, danh hiệu, như: Giấy chứng nhận hữu cơ; Chứng nhận ISO 22000:2018; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2021...

Gắn nông nghiệp với du lịch

Theo ông Lê Văn Vương, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.

Đơn cử như sản phẩm cà phê của Công ty Vương Thành Công, sau khi đạt 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm đã được tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh không chỉ về sản phẩm cà phê mà còn cả về tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm của tỉnh Đắk Lắk.

Lồng ghép vào những hoạt động đó, Công ty Vương Thành Công luôn chú trọng quảng bá bản sắc văn hóa Tây Nguyên bằng việc sử dụng trang phục thổ cẩm của đồng bào Êđê, cồng chiêng, múa xoang… để giúp khách hàng dễ nhận diện sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk, đồng thời cũng là cách thu hút khách du lịch tìm đến với Tây Nguyên đại ngàn.

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công sử dụng trang phục đồng bào Êđê để giúp du khách dễ nhận diện các sản phẩm của Đắk Lắk và văn hóa Tây Nguyên trong Chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại năm 2022 tại TP. Đà Nẵng.

Hiện Công ty Vương Thành Công đã được điền tên trên Bản đồ du lịch Đắk Lắk. Công ty đã liên kết với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh để thực hiện các tour du lịch trải nghiệm về nông nghiệp, gồm: chăm sóc vườn cây, thu hoạch, chế biến, rang xay, pha chế và thưởng thức sản phẩm.

Đặc biệt, trong các tour, công ty đều nhấn mạnh về quy trình sản xuất cà phê hữu cơ; hướng dẫn khách du lịch cách nhận biết cà phê hữu cơ. Đồng thời, để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, công ty còn sử dụng gốc, thân cà phê để chế tác ra những sản phẩm mỹ nghệ như dĩa, ly, kệ trang trí, bình cắm hoa, hũ để đựng cà phê…

“Chúng tôi cố gắng biến những thứ liên quan đến cà phê bị bỏ đi thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, có giá trị, mang dấu ấn của thủ phủ cà phê để du khách mua làm quà tặng. Khách du lịch cũng rất thích thú vì thông qua những hoạt động trải nghiệm này họ có kiến thức, hiểu sâu hơn về cà phê hữu cơ cũng như nhận biết được sự khác biệt giữa cà phê hữu cơ và cà phê thông thường. Điều đáng mừng là trong số những khách du lịch đến để trải nghiệm đã trở thành đối tác làm ăn của công ty vì họ tìm thấy sản phẩm đạt yêu cầu của mình đặt ra”, ông Lê Văn Vương cho biết thêm.

Đến thời điểm này, bình quân mỗi tháng, công ty đón tiếp 4 – 5 đoàn khách trong, ngoài nước đến với các tour du lịch trải nghiệm. Và để các tour trải nghiệm du lịch nông nghiệp có chất lượng tốt, thực sự mang lại sự hài lòng cho du khách, công ty tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn về hướng dẫn viên du lịch.

Trong thời gian tới, Công ty Vương Thành Công sẽ cố gắng phát huy thế mạnh và hoàn thiện các sản phẩm chỉn chu hơn, đậm chất hơn. Nghiên cứu những sản phẩm mới lạ để thu hút khách du lịch và khách sẽ nhớ đến Vương Thành Công, nhớ đến Buôn Ma Thuột không chỉ có câu chuyện mà còn lưu lại trên sản phẩm. Xây dựng các điểm check in cho du khách để nhận diện sản phẩm của Đắk Lắk; đẩy mạnh hơn về tham gia sàn thương mại điện tử.

Công ty Vương Thành Công là một trong hai doanh nghiệp của cả nước có chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam; là công ty có nhiều hoạt động vì cộng đồng cà phê thông qua các lớp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm miễn phí; có nhiều sản phẩm phong phú đa dạng nhất, sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo từ cà phê mà thế giới chưa có; là công ty sản xuất cà phê đầu tiên của tỉnh có bài hát riêng…

Minh Châu


Ý kiến bạn đọc