Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu lạc quan trong hoạt động xuất khẩu

06:31, 25/04/2022

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Đắk Lắk vẫn khởi sắc. Hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao.

Dự báo nhu cầu thị trường để thúc đẩy xuất khẩu

Theo Sở Công thương, tình hình xuất khẩu của tỉnh có nhiều dấu hiệu rất lạc quan, nhất là đối với mặt hàng cà phê nhân Robusta, cà phê đã qua chế biến, hồ tiêu, hạt mắc ca... Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 3/2022 thực hiện 115 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm thực hiện 385 triệu USD, đạt 32,1% kế hoạch, tăng đến 56,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh nhìn nhận, khó khăn vẫn chưa hết do giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao, thiếu container xuất khẩu, nhiều DN đã phải thương lượng với nhà nhập khẩu để cùng chia sẻ chi phí phát sinh... Song, hoạt động xuất khẩu vẫn có đà tăng khá do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường tăng cao.

Ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MVT ANH Coffee (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất khẩu tại đơn vị có nhiều cải thiện. Nhiều đơn hàng được ký kết thời điểm này và giao trong quý II/2022. Đà phục hồi của thị trường thế giới đã rất rõ nét, công ty đang xúc tiến để hoàn thành nhiều đơn hàng lớn có giá trị đi Mông Cổ trong tháng 5 và tháng 6, với số lượng 50 tấn/đơn hàng. Nhu cầu tiêu thụ ở thị trường đang tăng và dự kiến sẽ tăng mạnh trong quý III tới.

Công ty TNHH MVT ANH Coffee thực hiện quay video, chụp hình giới thiệu các quy trình làm ra sản phẩm để thuyết phục khách hàng quốc tế

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) cho biết, tình hình kinh doanh của đơn vị 3 tháng đầu năm 2022 khá tốt. Riêng hàng hóa xuất khẩu có sự tăng trưởng tích cực ở thị trường Hàn Quốc khi các đơn hàng tăng khoảng 50% so với trước dù đối tác có yêu cầu các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng. Hiện, các thị trường khác như Pháp và một số nước châu Âu cũng đang đặt vấn đề thúc đẩy thương mại với công ty nên sẽ còn tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

 

Năm 2022, Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,2 tỷ USD. Mục tiêu này có nhiều tính khả thi khi nhu cầu tiêu dùng thế giới đang trên đà tăng, hoạt động xuất khẩu tại các DN của tỉnh có đà phục hồi tốt.

Sự phục hồi sản xuất và kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội đang tạo sức bật cho nền kinh tế của tỉnh. Với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, các DN đang nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các hợp đồng đặt hàng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, nếu DN đáp ứng được vấn đề sản lượng, có vốn để mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất thì sẽ đáp ứng được các đơn hàng lớn, tạo ra cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu.

Khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, xuất khẩu của tỉnh đang có nhiều thuận lợi khi các DN khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA), đáp ứng khi nhu cầu thị trường tăng cao, nhất là các nhóm mặt hàng lợi thế của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, các loại hạt...

Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian đến, ngành công thương tỉnh đã tập trung các giải pháp mở rộng thị trường, tận dụng tối đa lợi thế các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cùng các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho DN...

Chế biến mắc ca xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) .

Để tăng kim ngạch xuất khẩu, DN cũng cần lưu ý những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, DN cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất an toàn, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc... đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, DN cũng cần nhận thức rõ hơn về việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để có thể chinh phục được những thị trường khó tính khác. Theo Sở Công thương, trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường thế giới, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung để bảo đảm nguồn hàng nông sản có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng cao công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đối với những khó khăn hiện tại, DN của tỉnh cần tiếp tục xây dựng phương án kinh doanh tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí đầu vào như nguyên liệu, tự động hóa quá trình sản xuất, cắt giảm chi phí cho hoạt động marketing, đẩy mạnh chuyển đổi số... để có giá thành sản xuất tốt hơn nhằm bù đắp cho chi phí logistics.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.