Multimedia Đọc Báo in

Để sử dụng phân hữu cơ hợp lý trong sản xuất

06:32, 11/03/2022

Bón phân hữu cơ hợp lý là sử dụng lượng phân bón hữu cơ chất lượng, thích hợp cho cây trồng đảm bảo tăng năng suất với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái.

Khi bón phân hữu cơ vào đất, chất hữu cơ có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, làm đất thông thoáng tránh sự tạo ván, tránh sự xói mòn, làm đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật hoạt động trong đất, giúp bộ rễ và cây trồng phát triển tốt, đẩy mạnh quá trình phân giải các hợp chất vô cơ, hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng dễ tiêu N, P, K, trung, vi lượng… để cây trồng hấp thụ qua đó giảm thiểu các tổn thất do bay hơi, rửa trôi gây ra. Chất hữu cơ làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho vi sinh vật, nên khi vùi phân hữu cơ vào đất, lượng lớn vi sinh vật trong đất phát triển nhanh, giun đất cũng phát triển mạnh.

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã biết ứng dụng quy trình bón phân cho các loại cây trồng theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cùng với các loại phân bón hữu cơ có sẵn tại địa phương ủ cùng các chủng vi sinh vật có ích.

Nông dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) tận dụng vỏ cà phê để làm phân hữu cơ. Ảnh: Thuận Nguyễn

Tuy nhiên, tình hình sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế, như điều kiện tiểu khí hậu, đất đai của từng địa bàn khác nhau, theo đó dinh dưỡng tự nhiên của từng chân đất khác nhau, cần chế độ phân bón hữu cơ khác nhau để cung cấp cho cây. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của từng nhóm cây khác nhau và trong mỗi nhóm, nhu cầu dinh dưỡng từng loại cây cũng khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm sinh lý, thời gian sinh trưởng, tiềm năng về năng suất… Vì vậy, khó có những quy trình bón phân cụ thể hợp lý với đất đai, địa hình, sinh thái ở cơ sở cho cây trồng theo yêu cầu của người sản xuất. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là vẫn còn nguồn phân hữu cơ chưa đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng đến cây trồng, đất đai và hiệu quả kinh tế của nông dân. Không ít nông dân vẫn còn chủ quan trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng, ít tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được tổ chức tại địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trên, khai thác được lợi ích từ việc bón phân hữu cơ mang lại cho sản xuất nông nghiệp, trước hết, nông dân phải tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp như: vỏ cà phê, chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ, than bùn... chế biến theo phương pháp ủ truyền thống cùng với công nghệ sinh học để tạo nguồn phân chất lượng cung cấp cho cây trồng. Tăng cường tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao các tiến bộ khoa học thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiếp thu kiến thức về các quy trình ủ phân hữu cơ, xử lý phân chuồng, cách bón phân cho các loại cây trồng. Cần tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ các loại phân hữu cơ vi sinh đang có trên thị trường, trước khi mua phân bón vào cây trồng. Ngoài các loại phân hữu cơ bón lót cho cây trồng, còn có các loại chế phẩm hữu cơ bổ sung bằng cách bón thúc vào các giai đoạn sinh trưởng của cây để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây trồng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, kiểm tra, giám sát hệ thống sản xuất, phân phối nguồn phân hữu cơ tại địa phương. Tổ chức triển khai các chương trình liên kết chuỗi giá trị cho các vùng nguyên liệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương, làm cầu nối giữa người sản xuất, các doanh nghiệp, các nhà chuyên môn, để kết nối “đầu vào” và “đầu ra” tốt nhất cho người sản xuất. Hỗ trợ đào tạo kịp thời lực lượng chuyên gia khoa học công nghệ, cán bộ quản lý và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, để hướng dẫn người sản xuất trồng và chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.