Multimedia Đọc Báo in

Trao sinh kế giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

06:48, 08/09/2021

Không chỉ tuyên truyền, vận động, giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các cấp Hội LHPN huyện Ea Kar còn trao “cần câu”, tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

“Cần câu” hơn “xâu cá”

Trước tác động của đại dịch COVID-19, cơ hội việc làm của phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng bị thu hẹp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để giúp chị em biết tận dụng, khai thác tiềm năng sẵn có phát triển sản xuất, chăn nuôi, các cấp Hội LHPN huyện Ea Kar đã triển khai Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Đại diện Hội LHPN huyện Ea Kar trao kinh phí hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn.

Lâu nay chị em trong buôn Vân Kiều và buôn Ea Rớt (xã Cư Elang) đều cho rằng khó khăn là do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, trong khi đó, một số diện tích gần nhà thì bỏ hoang. Để giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội LHPN xã Cư Elang đã thống nhất triển khai mô hình cải tạo đất trống gần nhà để trồng cây lúa nước. Hội đã vận động 6 chị tham gia mô hình, hướng dẫn cải tạo đất, tận dụng nguồn nước tưới, chọn giống lúa, cách chăm sóc và hỗ trợ 2 chị khó khăn nhất 6 triệu đồng để trồng 2,6 sào lúa. Đồng thời, Hội tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vụ đầu tiên năng suất đạt 6,5 tạ/sào, chị em rất phấn khởi. Chị Cao Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Elang chia sẻ: “Thành công bước đầu giúp công tác dân vận của Hội thuận lợi hơn rất nhiều. Chị em đã thay đổi suy nghĩ, biết tận dụng đất trống trồng rau xanh, nuôi gà tăng thu nhập. Tháng 7 vừa qua, Hội tiếp tục ra mắt mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản, cải tạo vườn tạp, trồng cây lúa nước của gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ” ở buôn Ea Rớt, trao 20 triệu hỗ trợ 1 chị nuôi bò và 3 chị trồng lúa nước”.

Để cuộc vận động ngày càng lan tỏa, năm 2021, Hội LHPN huyện Ea Kar đã chọn xã Ea Đar triển khai mô hình điểm “Chăn nuôi và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái” với sự tham gia của 10 phụ nữ DTTS ở buôn Tơng Sinh. Đến nay có thêm 5 chị tham gia phát triển mô hình này.

Tạo sinh kế bền vững

Theo chị H’Chi Mlô, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Đar, cái hay của những mô hình sinh kế là không chỉ trao cho chị em “chiếc cần câu” mà đã giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, biết tận dụng tiềm năng sẵn có về đất đai, nguồn thức ăn, công lao động để phát triển kinh tế gia đình từ việc nhỏ nhất, rồi dần dần mở rộng quy mô để tạo sự bền vững. Từ mô hình ở buôn Tơng Sinh, Hội LHPN xã đã nhân rộng thêm được 1 mô hình “Cải tạo vườn tạp và chăn nuôi dê” tại buôn Sưk.

Chị H'Met Niê ở buôn Tơng Sinh được Hội LHPN xã Ea Đar hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê.

Từ năm 2020 đến nay, Hội LHPN huyện Ea Kar đã hỗ trợ kinh phí thực hiện 36 mô hình sinh kế cho hội viên, mỗi mô hình từ 5 đến 10 triệu đồng; ra mắt mô hình “Sinh kế bền vững - nuôi gà thả vườn” tại chi hội thôn 9, xã Cư Yang. Hội Phụ nữ Công an huyện và Hội LHPN các xã, thị trấn cũng chọn những thôn, buôn đông hội viên DTTS tại chỗ để triển khai mô hình, giúp chị em chăn nuôi bò, dê, trồng lúa nước, mở tạp hóa...

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang cho biết, để khích lệ phụ nữ DTTS phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội rà soát nắm chắc nhu cầu, điều kiện của hội viên, từ đó lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp và hỗ trợ nguồn lực thực hiện mô hình sinh kế, hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn hợp lý và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.