Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã cần được “tiếp sức” để vượt qua đại dịch

06:49, 08/09/2021

Hai năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các HTX cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực để trụ vững trong "cơn bão" dịch bệnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, toàn tỉnh hiện có 590 HTX, trong đó có 464 HTX đang hoạt, 126 HTX ngừng động hoạt động. Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm, hàng hóa không tiêu thụ được dẫn đến thiếu vốn đầu tư và trả nợ ngân hàng, 20 HTX phải giải thể vì thua lỗ.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Ca cao Ea Kar tại một sự kiện xúc tiến thương mại.

Vận tải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Theo rà soát của cơ quan chức năng, 80% lượng phương tiện của HTX được mua bằng vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện có 60% số phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh không được hoạt động, số phương tiện hoạt động giảm 50% lượng khách và 60 - 70% doanh thu; dịch vụ vận tải hàng hóa giảm 30 – 40% khối lượng do hàng hóa tiêu thụ chậm. Do đó, các HTX trong lĩnh vực này phải chật vật xoay xở vốn để cầm cự, nhiều đơn vị phải bán xe để trả nợ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên việc lưu thông hàng hóa trở ngại, thương lái và người tiêu dùng e dè khiến hàng hóa của các HTX không tiêu thụ được dẫn đến tình trạng cung vượt cầu với sản lượng hàng nghìn tấn, giá giảm mạnh, trong khi sản lượng các đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu, xuất khẩu là không nhiều. Bên cạnh đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào liên tục tăng càng khiến HTX nông nghiệp thêm khó.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các HTX hoạt động trong những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, quản lý chợ… do người lao động bị cách ly, nghỉ việc, cung cầu sụt giảm. Theo phản ánh của các HTX, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, sản xuất kinh doanh tiếp tục đình trệ thì các đơn vị rất khó đứng vững do đa phần không có tài chính dự phòng mà chủ yếu là vốn vay, hạch toán kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn quay vòng ngắn hạn.

Nông dân tham quan mô hình giống lúa mới của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Ana.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và là bước đệm để HTX hoạt động linh hoạt, vừa tối ưu hóa nguồn lực, vừa giảm chi phí. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, nội lực của HTX còn hạn chế, chưa năng động và thích ứng kịp thời với những biến đổi, đặc biệt là khả năng tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất của HTX còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, chất lượng chưa cao, chủ yếu xuất thô, nên giá trị không cao.

Đa phần HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, khả năng ứng phó với những biến động về thị trường, lưu thông rất hạn chế nên dễ "sụp đổ" khi gặp sức ép lớn. Các HTX đang rất cần được "tiếp sức" từ cơ chế đến nguồn lực để đứng vững và duy trì sản xuất, kinh doanh. Mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có các giải pháp nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đặc thù cho HTX trong và sau khi hết dịch COVID-19. Theo đó, về tiếp cận nguồn vốn vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay cho HTX, giảm 3 – 5% lãi suất cho vay mới; cho gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển thành nợ xấu đối với các khoản nợ đến hạn và nợ phát sinh năm 2020, 2021. Cùng với đó, kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các HTX tiếp cận vốn giảm bớt áp lực trả nợ và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo UBND tỉnh, trước thực trạng nông sản đang bị ùn ứ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cần tăng cường hỗ trợ kết nối các HTX sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi trong cả nước để thu mua, phân phối nông sản, đặc biệt là hình thành chuỗi sản xuất bền vững; chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới nhằm quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sớm trình Chính phủ xem xét cho giảm tiền thuê đất, các loại thuế cho HTX, miễn phí bảo trì đường bộ và thuế ấn định cho những phương tiện vận tải ngừng hoạt động. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ HTX thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Liên minh HTX Việt Nam đang triển khai dự án xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Sàn sẽ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu vật tư, sản phẩm, dịch vụ, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các HTX với các doanh nghiệp trong và ngoài nước

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.