Multimedia Đọc Báo in

Vừa học văn hóa vừa học nghề

10:19, 19/12/2023

Bên cạnh hình thức đào tạo nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng, thời gian gần đây hình thức đào tạo 9+ (vừa học văn hóa vừa học nghề) đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hướng đi mới cho học sinh tốt nghiệp THCS

Trong những năm qua, công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn được tỉnh đẩy mạnh. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cùng với Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn, các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức Ngày hội tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Hiểu mình, hiểu nghề, sáng tương lai” với sự tham gia của các trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN). Tại chương trình, thầy cô giáo, nhà quản lý, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với học sinh về công tác phân luồng, chính sách, lợi ích khi tham gia học chương trình 9+. Đồng thời, giúp các em nắm bắt ngành nghề đang được giảng dạy tại các cơ sở GDNN, mô hình đào tạo, quá trình tập, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Các hoạt động này đã tạo cầu nối cho người có nhu cầu học nghề với các cơ sở GDNN, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác tuyển sinh phân luồng trong hoạt động GDNN. Kết quả, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở GDNN hàng năm tăng đáng kể. Năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh có 5.011 học sinh học chương trình 9+. Ở năm học trước là 3.451 học sinh. 

Trường Trung cấp Tây Nguyên thường xuyên tổ chức các hoạt động để khuyến khích học sinh sáng tạo trong học tập.
Trường Trung cấp Tây Nguyên thường xuyên tổ chức các cuộc thi để học sinh chương trình 9+3  thực hành những kiến thức đã học, rèn luyện nghề nghiệp. 

Không trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H'leo) năm học 2023 - 2024, em Võ Thị Trà My (ở xã Ea Ral) nộp hồ sơ vào học tại Trung tâm GDTX - GDNN huyện. Khi biết, Trung tâm liên kết với Trường Trung cấp Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức chương trình 9+, với một số nghề: Thương mại điện tử, hướng dẫn viên du lịch, tin học ứng dụng, ngôn ngữ Anh, y học cổ truyền..., em quyết định chọn ngành Ngôn ngữ Anh mình yêu thích để theo học. Em Trà My trò chuyện: "Em thích nghề spa, nhưng để đi đến các thành phố lớn hay ra nước ngoài làm việc phải biết ngoại ngữ, nên từ bây giờ em phải học tốt tiếng Anh, như vậy cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ thuận lợi hơn".

Nâng cao chất lượng dạy nghề và dạy văn hóa 

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình 9+ bài bản với phương châm "lấy người học làm trung tâm", đào tạo gắn liền với thực tế. Những phương pháp thuyết trình, làm việc nhóm giúp học viên phát huy tối đa khả năng sáng tạo, hình thành tư duy phản biện qua các buổi học tập trên lớp, làm việc nhóm, nhất là qua các chuyến kiến tập, thực tập, học viên được rèn luyện khả năng quan sát, được trực tiếp làm việc để cọ xát với thực tế.

Là một trong những cơ sở GDNN thực hiện tốt chính sách về đào tạo nghề cho học sinh, bà Trần Thị Thiết, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên cho hay: "Xuyên suốt từ khi thành lập đến nay (2014) nhà trường luôn nhất quán chủ trương đào tạo “Thực học, thực hành, thực nghiệp”. Nhà trường cam kết về đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, thấu hiểu học sinh. Chương trình đào tạo thực tiễn có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp, thực hành lên đến 80% thời lượng môn học. Nhờ đó, những yêu cầu về nguồn lao động có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập… đã được nhà trường đáp ứng".

Ngoài ra, ngay từ khi nhập học lớp 10, nhà trường đã tư vấn, định hướng cho các em học sinh tự chọn môn ngoại ngữ yêu thích để học nhằm phục vụ công việc sau khi ra trường hoặc có nhu cầu xuất khẩu lao động, thực tập sinh, du học...

Các cơ sở GDND hiện chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Các cơ sở GDND hiện chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Trao đổi về chương trình đào tạo 9+, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội mở ra cho học viên vừa học nghề, vừa học văn hóa song còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong giai đoạn hiện nay và tương lai nhu cầu sử dụng lao động của DN, của xã hội đòi hỏi rất cao ở trình độ tay nghề, phẩm chất đạo đức, sức khỏe của người lao động buộc các cơ sở GDNN phải tự đổi mới, phải "nâng chất" đào tạo và bản thân học viên phải nỗ lực hơn rất nhiều về áp lực học tập khi đồng thời thực hiện "mục tiêu kép".

Điều này hoàn toàn không dễ dàng bởi học sinh học hệ 9+ có nhiều đặc thù, đa số các em con nhỏ tuổi, lực học và sức học có giới hạn do đó khả năng tiếp thu so với học sinh trung cấp chậm hơn do thiếu nền tảng kiến thức nên thầy cô phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn. Một số kỹ năng phải đào tạo theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Việc quản lý chương trình dạy văn hóa thực hiện theo các qui định của hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý chuyên môn về dạy nghề, trình độ nghề theo các qui định của hệ thống GDNN. Do đó cần tạo cơ chế linh hoạt để khuyến khích, thúc đẩy nhiều học sinh có nhu cầu học nghề kết hợp học văn hóa được học trong môi trường thuận lợi về địa điểm, linh hoạt về thời gian học văn hóa.

“Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các trường cao đẳng, trung cấp nếu đủ điều kiện về trường lớp, phòng thí nghiệm, giáo viên dạy văn hóa được tạo cơ chế dạy văn hóa THPT chương trình GDTX tại trường. Điều này vừa tạo thuận lợi cho học sinh, vừa tiết kiệm được cơ sở vật chất, không lãng phí nguồn lực giáo viên THPT thuộc biên chế của các trường nghề”, bà Trần Thị Minh Lý nêu ý kiến.

Lý Nguyên 


Ý kiến bạn đọc