Multimedia Đọc Báo in

“Chạy nước rút” cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

08:19, 08/06/2023

Chỉ chưa đầy ba tuần nữa là học sinh khối 12 bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (gọi tắt là Kỳ thi). Trong giai đoạn “nước rút” này, các cơ sở giáo dục vừa tiếp tục củng cố kiến thức cho học sinh, vừa hỗ trợ các em làm quen với môi trường phòng thi.

Tăng thời gian ôn luyện

So với năm trước, kỳ thi năm nay diễn ra sớm hơn gần hai tuần. Những ngày này, em Y Kyly M’lô, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) N’Trang Lơng đang học ngày học đêm với mong muốn đạt điểm số cao nhất để có thể lấy kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Y Kyly M’lô cho biết, em lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội để thi tốt nghiệp THPT và khá hài lòng với kết quả ôn tập. Chỉ còn môn tiếng Anh và Toán vẫn chưa như mong muốn nên ngoài tập trung ôn tại trường thì em còn luyện đề và thực hành hỏi đáp khi học cùng bạn tại khu nội trú của trường.

Học sinh lớp 12A6, Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng học bài cùng bạn tại phòng nội trú của trường.

Em Trịnh Mai Linh, lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk) lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp THPT và lấy kết quả khối A (Toán, Vật lí, Hóa học) để xét tuyển vào đại học. Mai Linh cho hay, ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, em đã làm thử và thấy kết quả khá tốt. Để tăng cơ hội trúng tuyển, hằng  ngày em tăng thời gian luyện đề; thực hiện thời gian biểu hợp lý để có sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho Kỳ thi.

Với mục tiêu “kép” là lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng nên Kỳ thi có ý nghĩa hết sức quan trọng với học sinh. Ngay từ đầu năm học 2022 – 2023, các cơ sở giáo dục đã triển khai kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện của từng trường nhằm tạo thế chủ động cho giáo viên và học sinh. Ông Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT N’Trang Lơng chia sẻ, năm học 2022 - 2023 trường có 187 học sinh lớp 12. Trong đó có khoảng 40 học sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại là Khoa học xã hội. Căn cứ vào nhu cầu, năng lực của học sinh, trường đã xếp 12 lớp theo từng nhóm: ôn luyện, củng cố kiến thức để đỗ tốt nghiệp; nâng cao kiến thức để lấy kết quả xét tuyển đại học.

Hỗ trợ tối đa cho học sinh

Theo Phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục Thường xuyên (Sở GD-ĐT), toàn tỉnh có 9 cụm chuyên môn ở cấp THPT.

Các cụm đã phối hợp tổ chức xây dựng tài liệu để phục vụ cho việc tổ chức ôn tập, phụ đạo học sinh các trường trong cụm. Cấu trúc, nội dung, hình thức mỗi tài liệu của môn thi đáp ứng tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; được chia thành các bài, chủ đề, chuyên đề (tùy khối lượng kiến thức).

Nội dung ôn tập đáp ứng yêu cầu: hệ thống kiến thức; hệ thống câu hỏi, bài tập theo từng cấp độ nhận biết và định hướng trả lời; đề kiểm tra, đánh giá theo các mức độ biết, hiểu, vận dụng và có đáp án. Đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm với 4 lựa chọn…

Giáo viên hướng dẫn học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm.

Căn cứ theo hướng dẫn của ngành giáo dục, các trường đã có sự chủ động trong hoạt động ôn tập nhằm hỗ trợ tối đa cho học sinh trong kỳ thi quan trọng này.

Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk) có 246 học sinh khối 12. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã hỗ trợ học sinh ôn tập trực tuyến (thông qua nhóm lớp trên mạng xã hội), hoặc trực tiếp tại trường.

Cụ thể là chủ động ôn tập theo lớp từ tuần thứ 3 (học kỳ I); đến học kỳ II trường hỗ trợ, tư vấn học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp; bố trí lớp ôn tập theo nguyện vọng của học sinh.

Về nội dung ôn tập, ngoài định hướng chung của ngành thì trường còn chỉ đạo tổ chuyên môn phân tích đề qua các kỳ thi; dựa trên đề minh họa, giáo viên nắm bắt ma trận đề để hỗ trợ học sinh ôn tập thông qua việc phân tích đề, hướng dẫn học sinh cách thức ổn định tâm lý, cân đối thời gian khi làm bài tại phòng thi...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.