Multimedia Đọc Báo in

Bắt kịp xu thế của thời đại 4.0

08:20, 25/11/2021

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển sang dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các hình thức dạy học này có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã và đang nỗ lực khắc phục, vượt qua.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA.

 

*Các hình thức dạy học trực tuyến, gián tiếp đã được tỉnh áp dụng rộng rãi trong thời gian dịch bệnh phức tạp, giúp hoàn thành chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Tuy nhiên những hình thức dạy học mới này rất khác với dạy học truyền thống, vậy ngành giáo dục có gặp những khó khăn gì thưa ông?

Mặc dù ngành giáo dục Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và các hình thức dạy học gián tiếp khác trong thời gian khá dài đã đặt ra những vấn đề hết sức khó khăn.

Khó khăn thứ nhất đó là thiết bị học trực tuyến. Qua thống kê, từ bậc tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh còn thiếu khoảng 67.000 thiết bị dạy học trực tuyến. Thứ hai là việc phủ sóng Internet ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, có khoảng 10 - 15% học sinh ở những “vùng lõm”, không có sóng của các nhà mạng. Thứ ba là vấn đề đường truyền, cùng một lúc các em vào học nên dễ bị nghẽn mạng. Thứ tư đó là đối với học sinh ở bậc tiểu học, nhất là khối lớp 1, lớp 2 chưa quen với thiết bị và phương pháp dạy học trực tuyến. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục, các thầy cô và phụ huynh học sinh. Những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo chất lượng dạy học.

*Bên cạnh những khó khăn ông đề cập, còn không ít băn khoăn đối với các hình thức dạy học này, như: chất lượng một số buổi học không được như kỳ vọng; sự tương tác giữa học sinh với thầy cô và các bạn còn ít; đặc biệt là việc kiểm tra, đánh giá sao cho công bằng, thực chất. Ngành GD-ĐT tỉnh đã có những biện pháp khắc phục và giải quyết các vấn đề này như thế nào?

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về dạy học trực tuyến, từ đầu năm học 2021 - 2022, đối với bậc tiểu học, Sở đã chỉ đạo các trường tập trung dạy học môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Song do thời gian dạy học trực tuyến kéo dài, nên các nhà trường tổ chức dạy học các môn còn lại, nhưng dạy học theo chủ đề, chủ điểm. Đối với bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên, bắt đầu với chương trình dạy học của năm học mới đã triển khai dạy đủ các môn. Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy đã giảm thời lượng của các tiết học và tổ chức các hoạt động xen kẽ để giúp học sinh không mỏi mệt, không căng thẳng.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, Sở chỉ đạo các nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến, phải tránh tình trạng căng thẳng, chỉ kiểm tra những kiến thức cốt lõi. Trước khi kiểm tra, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch; kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền và cho các em kiểm tra thử rồi điều chỉnh cũng như có các phương án dự phòng nếu có sự cố xảy ra...

Một tiết dạy trực tuyến của giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột).

Để kiểm tra, đánh giá một cách chính xác kết quả học tập của học sinh, giáo viên phải có trách nhiệm hướng dẫn cho các em ôn lại những kiến thức cơ bản, cũng như các kỹ năng để học sinh tự tin, làm bài đạt kết quả. Nếu trong trường hợp chất lượng không đạt, nhà trường cần tổ chức hướng dẫn, ôn tập lại cho học sinh, bảo đảm các em nắm vững kiến thức, tự tin làm bài kiểm tra và đánh giá đúng thực chất…

*Có ý kiến cho rằng, với sự thích ứng, đạt hiệu quả và có tính phát triển của các hình thức dạy học này có thể sẽ trở thành một xu hướng học tập của tương lai, và đây là một bước ngoặt mới, một điều kiện để ngành giáo dục có những bước chuyển đổi số trong thời kỳ hiện nay. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Tôi nghĩ rằng đây là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi sang thời đại công nghệ mới, công nghệ 4.0, hay là chuyển đổi số trong GD-ĐT. Chính vì thế nên dù sau này tổ chức dạy học trực tiếp thì các hình thức dạy học này vẫn sẽ được vận dụng để ôn tập, hướng dẫn cho học sinh.

Để bắt kịp với thời đại 4.0, trong năm học 2021 - 2022, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục. Toàn ngành đã tiến hành số hóa như: các văn bằng chứng chỉ; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; số hóa các hồ sơ… để đảm bảo công tác quản lý điều hành của nhà trường hiện nay một cách linh hoạt, kịp thời và đánh giá đúng chất lượng dạy học.

Để đảm bảo các điều kiện chuyển đổi số thì yêu cầu ngành GD-ĐT phải có sự đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin. Vấn đề này không thể đầu tư ngay trong một vài năm học mà là cả quá trình. Đồng thời, về đối tượng sử dụng, áp dụng điều này là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, do vậy ngoài đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cần tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin đối với cán bộ quản lý, giáo viên để bắt kịp xu thế của thời đại công nghệ 4.0.

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.