Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong năm học mới

07:03, 06/09/2021

Năm học mới 2021 – 2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Ngành giáo dục cũng phải chuyển sang trạng thái mới để tổ chức dạy và học thích ứng với tình hình mới.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA chung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới với thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Krông Pắc) tại điểm cầu Sở GD-ĐT.

lXin ông cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh trong năm học này?

Năm học 2021 - 2022 là một năm học rất đặc biệt, có những thách thức rất lớn. Do vậy, ngành GD-ĐT đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Thứ nhất là triển khai Chương trình sách giáo khoa mới đối với các khối lớp 1, 2 và 6 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Thứ hai là đẩy mạnh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến và các phương thức dạy học trên truyền hình, giao phiếu bài tập… trong thời gian các em không thể đến trường được do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục chú trọng tập trung các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc dạy học văn hóa, ngành GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là về phòng, chống bạo lực trong các nhà trường, phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và hướng đến xây dựng các mô hình trường học an toàn, trường học hạnh phúc…

lVới tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì trong nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 của Đắk Lắk có gì thay đổi so với những năm học trước, thưa ông?

Xác định năm học mới sẽ có nhiều thách thức, cần phải chuyển sang trạng thái mới để tổ chức dạy và học thích ứng với tình hình mới, ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và mục tiêu năm học. Trong đó, ưu tiên triển khai việc dạy và học linh hoạt, thích nghi với các điều kiện và tình hình khác nhau ở các địa phương; đồng thời tổ chức sáng tạo, linh động giữa dạy và học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài và tranh thủ thời gian dạy trực tiếp khi dịch bệnh ổn định một cách hiệu quả… Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng sẽ triển khai các biện pháp hữu hiệu để từng bước tăng cường yếu tố thực nghiệp, thực chất, thực học, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục…

lNăm học 2021 – 2022 ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như thế nào?

Để chuẩn bị cho năm học này, ngay từ học kỳ hai của năm học 2020 – 2021, ngành GD-ĐT đã chủ động trong việc triển khai những nội dung như: lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, công văn hướng dẫn cho các địa phương rà soát, đánh giá lại cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai chương trình cũng như điều chuyển đội ngũ giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu một cách phù hợp… Hiện nay, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số thời điểm khi thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên phải tổ chức tập huấn trực tuyến; mặt khác các em mẫu giáo trước khi vào lớp 1 thường sẽ có giai đoạn chuyển tiếp “tiền tiểu học” để làm quen trước việc học lớp 1, nhưng do thực hiện giãn cách xã hội đã không được trải qua thời gian đó tại các trường mẫu giáo, điều này cũng gây khó khăn hơn đối với thầy cô giáo khi đón các em vào lớp 1. Do vậy, để triển khai tốt các nhiệm vụ dạy học trong bối cảnh hết sức khó khăn này đòi hỏi mỗi thầy cô giáo và các nhà trường phải hết sức chủ động, linh hoạt, làm việc bằng gấp nhiều lần so với các năm học trước, với sự quyết tâm, cố gắng rất lớn cùng sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thì tin rằng ngành GD-ĐT sẽ triển khai thành công nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

lNgành sẽ có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm học này, thưa ông?

Trước mắt ngành GD-ĐT đã tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho vùng sâu, vùng xa để đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học; xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, phù hợp với đặc điểm vùng, miền trên địa bàn tỉnh; ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn. Cùng với đó là đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Còn ở những vùng thuận lợi thì có thể đẩy mạnh xã hội hóa để giảm gánh nặng về mặt biên chế. Một vấn đề nữa để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa là làm sao tổ chức được việc dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú cho các em. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề khó khăn bởi điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi, nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được. Chính vì thế ngành Giáo dục rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền địa phương cũng như từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, cá nhân và sự hỗ trợ, đồng tình của phụ huynh học sinh…

l Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc