Multimedia Đọc Báo in

"Kỳ tích" của ngôi trường vùng sâu đặc biệt khó khăn

06:59, 02/08/2021

Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Krông Nô, huyện Lắk) vừa đón nhận tin vui: 100% học sinh lớp 12 (năm học 2020 - 2021) đỗ tốt nghiệp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Đây là năm thứ hai thầy trò ngôi trường vùng sâu đặc biệt khó khăn này đạt được thành tích ấy.

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh được thành lập tháng 2-2019 trên cơ sở tách ra từ phân hiệu của Trường THPT Lắk, nằm ở xã vùng sâu nơi tiếp giáp giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Sự ra đời của ngôi trường đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh ở các xã vùng sâu Krông Nô, Nam Ka, Ea R’bin của huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), một số thôn, buôn của huyện Krông Nô, Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) và con em một số gia đình thuộc huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).

Trước đây, khi chưa có phân hiệu hay trường THPT, học sinh phải ra tận trung tâm huyện Lắk, cách xa hơn 40 km để học. Chính vì thế, tỷ lệ học sinh bỏ học thường rất cao, ở một số buôn tại xã Krông Nô chỉ có 1 - 2 em học hết bậc THPT.

Dạy và học trong điều kiện vô vàn khó khăn do trường mới thành lập nên việc 2 năm liền và cũng là 2 khóa học sinh đầu tiên đều đỗ tốt nghiệp 100% chắc chắn không đến từ sự may mắn hay do học sinh ôn thi “trúng tủ” mà là kết quả nỗ lực của thầy và trò nhà trường.

Một buổi học của thầy trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh hiện có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong số 23 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, 100% đều đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Hầu hết giáo viên nhà trường đều ở TP. Buôn Ma Thuột hoặc những địa phương xa đến đây dạy học. Dù phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô đều rất nhiệt huyết, yêu nghề, thương học trò.

Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Do nằm ở vùng tiếp giáp với ba tỉnh, phần lớn học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 90%). Một số em nhà ở buôn nằm sâu hút trong rừng song các giáo viên nhà trường luôn sẵn sàng luồn lách trên những con đường lầy lội, lởm chởm đá đến tận nhà tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh học sinh. Các thầy cô ai cũng xem trường như “ngôi nhà chung” của mình”.

Vì là học sinh vùng sâu, việc tiếp nhận kiến thức có phần hạn chế nên các thầy cô giáo cũng phải kiên trì tìm phương pháp giảng dạy phù hợp. Ngay từ lớp 10 đầu cấp, đội ngũ giáo viên nhà trường đã rà soát, tìm hiểu, nắm chắc những điểm mạnh và hạn chế của các em để từ đó mỗi giáo viên bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch dạy học sát với học sinh hơn. Đối với học sinh khối 12, bên cạnh việc học, ôn tập theo kế hoạch, nhà trường còn khảo sát, đánh giá mức độ học tập để tổ chức phụ đạo thêm cho học sinh yếu.

Thầy Bùi Quang Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu, cái cần là phải khơi gợi cho các em hứng thú học tập, rồi tập trung giúp học sinh khắc phục, lấy lại những lỗ hổng kiến thức cơ bản. Sau đó kiểm tra, đánh giá lại xem kết quả tốt hơn chưa, nếu chưa thì cả thầy và trò phải xem lại việc dạy – học cần điều chỉnh chỗ nào”.

Em H’Nguyệt, cựu học sinh lớp 12 xúc động bày tỏ: “Hồi mới vào học, em luôn sợ mình không theo kịp bạn bè và thường có ý định nghỉ học nhưng được các thầy cô động viên, khích lệ và dạy dỗ tận tình nên em đã kiên trì học và tốt nghiệp THPT. Trong chặng đường sắp tới, em sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng thầy cô”.

Thành Tâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.