Multimedia Đọc Báo in

Hồng trời Đà Lạt níu hồn lữ khách

09:31, 27/03/2024

Những ngày tháng ba, ở Đà Lạt, từ triền núi, lũng đồi, góc phố, bên đường, sân nhà… đâu đâu cũng hiện hữu sắc hồng mai anh đào. Thành phố dường như nên thơ và huyền ảo, lãng mạn hơn. Thành phố dịu dàng và đằm sâu trong cảm niệm yêu thương và trân quý.

Còn nhớ, tháng 1/2018, nhân dịp công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và đón nhận danh hiệu Đà Lạt - thành phố bền vững về môi trường của ASEAN, UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo về tổ chức Ngày hội hoa anh đào. Nhưng lần đầu tiên ấy thất bại, hoa mai anh đào không chịu nở, cành trơ trụi giữa trời xanh dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng mùa hoa không về với người. Cái gì thuộc về tự nhiên hãy để thuận theo tự nhiên, ép duyên chẳng đặng. Ngày hội anh đào tự chấm dứt ngay từ lần đầu. Khung trời cao nguyên Lâm Viên trở lại như nhiên, rồi mai anh đào tự làm nên mùa rực rỡ cho mình trong dìu đỡ của mẹ thiên nhiên…

Vườn hoa mai anh đào khoe sắc bên các biệt thự.

Một chút hồi ức vậy để cảm mến, hân hoan hơn với Xuân Giáp Thìn 2024 này. Từ Tết Nguyên đán đến nay, Đà Lạt vẫn nườm nượp khách du lịch. Đông vui, nhộn nhịp là sự hợp duyên, và Đà Lạt rực rỡ hoa mai anh đào.       

Một trong những nơi hiện đang rực rỡ hoa mai anh đào là khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt. Ở đó, còn có TS. Lương Văn Dũng, một nhà khoa học về phân loài thực vật. Anh kể, dịp rồi ra miền Bắc, có thấy một loại hoa giống mai anh đào Đà Lạt mà người dân địa phương gọi là hoa “Tớ dày”, theo ngôn ngữ của dân tộc Tày. “Có cơ sở cho thấy mai anh đào Đà Lạt có ở phía Bắc Việt Nam, vì đây là loài giống hoang dại”, TS. Dũng khẳng định.

Trong cuốn sách “Cây cỏ Việt Nam” của GS.TS. Phạm Hoàng Hộ thông tin: Anh đào thuộc chi Prunus, do nhà thực vật David Don ghi nhận, phân bố tại dãy Himalaya, loài hoang dại. Giáo sư Hộ còn nêu một số đặc điểm hình thái của anh đào, gồm nhánh, lá, cuống, màu hoa, màu và vị quả… Về phân bố, ở độ cao từ 1.000 - 1.800 m, bao gồm các vùng Cao Lạng (Cao Bằng, Lạng Sơn) đến Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Riêng trồng, anh đào được trồng ở Đà Lạt. Ra hoa từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, sau đó đậu quả. Gỗ anh đào tốt, không bị mối, hột cho dầu để trị sạn (sỏi).

Mai anh đào Đà Lạt thuộc chi Prunus nhưng hoa đơn 5 cánh giống như hoa mai (chi Cerasus), nên Việt ngữ phổ thông là “mai anh đào”. Khá nhiều người nhầm mai anh đào Đà Lạt di thực từ Nhật Bản. Song, khi đến Đà Lạt, chuyên gia sinh học hàng đầu Nhật Bản là GS. Oshi đã khẳng định với TS. Dũng, rằng ở Nhật Bản không có loài mai anh đào như ở Đà Lạt. Mai anh đào Đà Lạt không phải là anh đào Nhật Bản, tuy cùng chi prunus và phân chi cerasus nhưng anh đào Nhật Bản là loài prunus serrulata. Cả hai loài hoa này đều thuộc họ hoa hồng (rosaceae).

Mai anh đào trở thành điểm nhấn đường Lê Đại Hành (Khu trung tâm Hòa Bình)

Theo tài liệu “Ông Nguyễn Thái Hiến và ngành trồng rau Đà Lạt từ 1928 - 1958”, xuất bản năm 2005 của kỹ sư Nguyễn Thái Hai thông tin: người trồng cây mai anh đào tại Đà Lạt là ông Nguyễn Thái Hiến, cha của ông Hai. Ông Nguyễn Thái Hiến (1898 - 1956), người Nghệ An, sống ở Đà Lạt từ năm 1927, học ngành canh nông, làm giám thị lục lộ, đảm nhận việc trồng cây cảnh trong khuôn viên các dinh thự và trục đường của Đà Lạt. Ông Hiến phát hiện tại khu rừng gần ấp Tân Lạc có những cây hoa vừa giống hoa đào và vừa giống hoa mai nên đã đề nghị chính quyền cho mang về trồng dọc theo các phố trung tâm Đà Lạt. Từ đó, năm 1935, ông Hiến đã trồng nhiều cây mai anh đào từ cầu Ông Đạo (đập hồ Xuân Hương) lên rạp hát Hòa Bình (hiện là khu Hòa Bình, phường) và rạp chiếu bóng Ngọc Lan (đường Phan Đình Phùng hiện nay) và một số tuyến đường khác...

Khẳng định mai anh đào “chắc chắn là cây bản địa” ở khu vực Đà Lạt, TS. Dũng cho biết: Thường cây nhập nội về trong giai đoạn đầu không có khả năng tự sinh sản. Trong khi đó, cây mai anh đào có khả năng tự sinh sản. Câu chuyện bây giờ là chúng ta đi tìm bằng chứng cho nó, về tự nhiên học (phân bố, tự sinh sản…); về xã hội học (qua các tài liệu và nguồn thông tin khác nhau) và về phân bố trên thế giới. 

Nghệ nhân làm cây cảnh Trần Hoàng Thân (ở đường Yersin, TP. Đà Lạt) đã từng đưa cây mai anh đào vào chậu song cây lại không thể ra hoa; nhưng nếu chậu vỡ, rễ đâm xuống đất thì lại nở hoa. Ông còn nhận thấy ở mai anh đào là hễ cây này sống gần người thì lại phát triển tốt, còn ở trong rừng vắng người thì cây lại nhỏ, phát triển chậm. Tôi chợt nghĩ, mai anh đào có lẽ là loài luôn thân thiết với con người, có linh hồn và đời sống thiêng chăng?

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.