Góp ý dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo và phát thanh, truyền hình
Chiều 23/7, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 34 tỉnh, thành phố trong cả nước để lấy ý kiến góp ý dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo và phát thanh, truyền hình của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Thị Chiến Hòa; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Báo và Phát thanh, Truyền hình Đắk Lắk.
Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo và phát thanh, truyền hình của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 4 chương, 9 điều, cơ bản kế thừa Quy định số 338-QĐ/TW, ngày 26/11/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
![]() |
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Y Nhuân Byă nêu ý kiến góp ý dự thảo tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Về chức năng, cơ quan báo và phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan ngôn luận của đảng bộ, chính quyền và nhân dân; cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền bằng báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, kênh nội dung của cơ quan trên không gian mạng; là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; hoạt động báo chí theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Về nhiệm vụ, cơ quan báo và phát thanh, truyền hình của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 16 nhiệm vụ chủ yếu.
Về tổ chức bộ máy, có tổng biên tập và không quá 3 phó tổng biên tập; về cơ cấu tổ chức có không quá 6 phòng gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Tài chính - Dịch vụ - Quảng Cáo, Phòng Báo in - Điện tử, các nền tảng số, Phòng Phát thanh - Truyền hình - Thời sự, Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Phòng Bạn đọc - Tư liệu; tối thiểu có 5 người mới thành lập phòng. Phòng có dưới 7 người được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; có từ 7 người trở lên được bố trí trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng.
Về biên chế của cơ quan báo và phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan trong tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ nhiệm vụ được giao và khả năng tự chủ về kinh phí hoạt động, cơ quan báo và phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố thực hiện ký hợp đồng lao động, thực hiện chế độ cộng tác viên theo quy định.
Về tài chính, cơ quan báo và phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định; thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao và được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ này; quản lý giám sát thu, chi, quyết toán tài chính thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
![]() |
Các đại biểu điểm cầu tỉnh Đắk Lắk tham dự hội nghị. |
Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu cơ bản thống nhất với dự thảo; đồng thời đã góp ý về bố cục, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tài chính, số lượng, tên gọi các phòng, mối quan hệ công tác.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Y Nhuân Byă đề nghị: đối với đặc thù của các tỉnh có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị có cơ chế mở cho địa phương thành lập Phòng Tiếng dân tộc; tăng số lượng cấp phó tổng biên tập lên 4-5 người; chỉ để tên phòng là Phòng Tài chính - Dịch vụ và Phòng Phát thanh - Truyền hình.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định: Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo và phát thanh, truyền hình của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là nội dung rất quan trọng, định hướng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tài chính cho hoạt động của cơ quan báo chí địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập. Các ý kiến góp ý đều tâm huyết, có trách nhiệm, nghiên cứu sâu, sát thực tiễn. Tổ biên tập sẽ tổng hợp, bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ban Bí thư xem xét, ban hành. Trong đó, tiếp thu ý kiến về cơ cấu tổ chức các phòng, định hướng tên gọi và giao thẩm quyền cho Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy quyết định; đối với các tỉnh, thành phố đặc thù có cơ chế riêng; số lượng cấp phó đơn vị cơ bản giữ nguyên sau khi hợp nhất và trở về nguyên trạng sau 5 năm; hoàn thiện nội dung về tài chính.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc