Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai"thổi làn gió mới" vào du lịch khám phá văn hóa bản địa

08:05, 30/05/2021

Làm việc trong một cơ quan nhà nước, đầu năm 2018 anh Y Xim Ndu (SN 1992) ở buôn Yuk La 1 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) xin nghỉ việc để theo đuổi ước mơ phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá tại quê hương.

Qua báo chí, mạng xã hội anh Y Xim biết tại các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng có nhiều mô hình du lịch độc đáo, thu hút du khách, anh đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, học tập mô hình du lịch cộng đồng.

Cuối năm 2018, anh Y Xim xin vào làm việc tại một công ty phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được cử sang Campuchia làm việc với mức lương cao. “Ở đất nước Campuchia tôi may mắn được gặp gỡ với cộng đồng dân cư bản địa có cùng hệ ngôn ngữ, nét văn hóa tương đồng nơi quê nhà. Một số người trẻ Campuchia nơi đây cũng thực hiện tour du lịch khám phá văn hóa cùng người dân bản địa rất thành công. Nhờ vậy, tôi học hỏi được kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm du lịch hơn. Sau khi tích lũy được một số vốn kha khá, tôi trở quê hương khởi nghiệp với mô hình du lịch đã ấp ủ”, anh  Y Xim cho hay.

Anh Y Xim Ndu trong chuyến trekking trên dãy núi Chư Yang Lắk.
Anh Y Xim Ndu trong chuyến trekking trên dãy núi Chư Yang Lắk.

Bắt tay vào làm du lịch khám phá, anh Y Xim thấy vốn không phải là vấn đề quá lớn, vì có thể liên kết với các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú hiện có tại địa phương. Năm 2020, anh Y Xim mạnh dạn xây dựng tour du lịch gắn liền với văn hóa, nông nghiệp, xem đó như là một chuyến phiêu lưu khi du khách tới với huyện Lắk.

Là người M’nông, trân quý và có những hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, anh Y Xim xây dựng tour du lịch trekking (hoạt động du lịch dã ngoại, đi bộ leo núi tương tác nhiều với thế giới tự nhiên): khám phá thác Bìm Bịp, dãy núi Chư Yang Lắk, sau đó di chuyển bằng xe cày đến tham quan một số buôn làng M’nông dưới chân núi, trải nghiệm làm gốm, thăm vườn ca cao ở Yang Tao, xem dệt thổ cẩm, đan gùi, ngắm hoàng hôn ở hồ Lắk, rồi thưởng thức những món ăn bản địa như canh tro, cà đắng, rượu cần, vui cùng tiếng cồng chiêng, ngủ lại nhà sàn…

Để hấp dẫn du khách trong từng hoạt động du lịch, anh Y Xim cố gắng đưa văn hóa bản địa đến gần với du khách hơn. Thay vì chỉ đơn thuần leo núi, chụp ảnh săn mây, bằng sự hiểu biết của mình anh Y Xim giới thiệu, lý giải những điều du khách tò mò, muốn tìm hiểu về vùng đất, con người, đặc biệt là về văn hóa M’nông.

Sau gần một năm hoạt động, nhiều bạn yêu du lịch trong và ngoài tỉnh biết và tìm đến mô hình du lịch của anh Y Xim, trung bình mỗi tháng anh tổ chức 2 - 3 tour trekking, mang lại nguồn thu nhập khá cho bản thân và một số người dân tại huyện Lắk.

Mỗi khi đưa du khách chinh phục dãy núi Chư Yang Lắk, anh thường kể cho họ nghe về sự tích, tín ngưỡng văn hóa gắn liền với tên núi. Anh Y Xim kể với du khách rằng: Người M’nông là một trong những cộng đồng người làm rẫy bán du cư ở Tây Nguyên. Mỗi năm họ phát và đốt một khoảnh rừng che phủ vùng đất của mình để gieo trồng. Năm sau họ lại phát, đốt một khoảng rừng khác để cho cánh rừng mà họ phát năm trước lên xanh trở lại. Sau khi lần lượt phát tất cả khu rừng che phủ vùng đất của mình, họ quay về đúng khu rừng đã phát mười hay hai mươi năm trước. Với kiểu canh tác này, cộng đồng luôn có đất tốt để gieo trồng và các khoảng rừng có đủ thời gian để phục hồi. Ðiều đặc biệt nữa là họ không bao giờ xâm phạm những cánh rừng trên đỉnh núi cao bởi quan niệm đó là rừng thiêng của Yàng. Nhờ vậy mà nhiều khu rừng già được bảo tồn, các mạch nước ngầm được bảo vệ.

Du khách tham quan làng gốm ở xã Yang Tao.
Du khách tham quan làng gốm ở xã Yang Tao.

Chưa hết, ở một số chuyến trekking, anh Y Xim sử dụng gùi để mang vác đồ đạc cho du khách thay vì sử dụng ba lô chuyên dụng. Điều này, khiến du khách thích thú, "tiếng lành đồn xa", các tour khám phá văn hóa truyền thống của chàng trai M'nông có nụ cười hiền, tính cách thân thiện, gần gũi luôn hấp dẫn khách du lịch gần xa.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.