Multimedia Đọc Báo in

Múa khiên thể hiện vóc dáng trai làng

09:42, 26/07/2020

Khiên là loại vũ khí chống đỡ, tự vệ khá phổ biến của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đi cùng với khiên là gươm hoặc lao, là những loại vũ khí cổ sơ của các chiến binh thời cổ đại.

Chiếc khiên đẽo bằng gỗ, chế tạo bằng sắt, thép, đồng, được sử dụng khi đánh nhau, để cản đẩy mũi tên, ngọn lao, đường kiếm nguy hiểm từ phía kẻ địch. Đối với nhiều dân tộc, chiếc khiên còn được sử dụng như đạo cụ tham gia các điệu múa của trai tráng trong các lễ hội ở buôn làng.

Một đặc trưng cơ bản của múa Cơ Tu là có sự kết hợp giữa múa nam và múa nữ trong một đội hình múa. Những người đàn ông tham gia nhảy hội với điệu Tân tung, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh, đi trước là nữ, đi sau là nam, nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với đàn bà, con gái. Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng. Điệu múa đó thể hiện nét oai phong, hùng dũng của các chàng trai.

Điệu múa khiên trong lễ hội truyền thống dân tộc Cơ Tu.
Điệu múa khiên trong lễ hội truyền thống dân tộc Cơ Tu.

Đối với các dân tộc miền núi, một số vũ khí như ná, khiên, kiếm… được mang theo người không chỉ để phòng thân mà còn là đồ trang sức thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của các chàng trai. Đồng bào M’nông có 2 loại khiên bằng gỗ: Khiên tung là loại khiên to, cứng đẽo bằng cây tung; khiên blang là loại khiên mềm, đẽo bằng cây gòn gai.

Trước đây, đồng bào có tục rào làng và sử dụng vũ khí để tự vệ. Hàng rào, cổng làng được làm bằng tre nứa, cây rừng nhỏ hoặc trồng tre gai; có chừa những lối đi vào làng và ra rừng, lên rẫy. Các lối đi đều làm cửa chắn và giương cung, cắm chông, đặt bẫy gai mây, gai tre bảo vệ. Mỗi buổi tối thanh niên trai tráng với chiếc khiên, chiếc lao, chiếc ná trên tay, gùi tên trên vai... tuần tra, canh gác quanh làng.

Dân tộc Êđê có khiên làm bằng gỗ hoặc da trâu đi kèm với kiếm hoặc giáo. Múa khiên là một nghi lễ bắt buộc trong các lễ hội lớn như lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành cho các chàng trai, lễ hội rước kpan (ghế ngồi đánh chiêng trong nhà dài), lễ cúng bến nước... Động tác múa khiên mô phỏng tư thế của một chiến binh: khi gạt, khi đẩy xô về phía trước như đang đánh nhau hoặc rung, lắc nhằm tạo âm thanh, nhịp điệu lúc múa.

Cùng với trống h’hơr và chiêng, những quả nhạc, lục lạc, chũm chọe bằng đồng gắn trên bề mặt khiên sẽ tạo ra âm thanh reo vui, rộn ràng khi người múa rung hoặc lắc chiếc khiên. Âm thanh và động tác múa tạo ra nét hùng dũng, oai phong, kiêu hãnh và dữ dội của các chàng trai Tây Nguyên. Động tác múa khiên không có bài bản định hình trước mà thường mang tính ngẫu hứng cao. Sự thăng hoa của nghệ thuật múa khiên phụ thuộc vào niềm say mê, cảm hứng, ngẫu hứng của người múa.

Chiếc khiên là hiện vật gắn bó với cuộc sống của đồng bào vùng cao. Nó được đưa vào làm hoa văn trang trí trên trang phục, trên các công trình kiến trúc như nhà mồ, nhà làng truyền thống. Bề mặt chiếc khiên thường trang trí hoa văn mặt trời (mat t’ngây/mat pleng). Hoa văn chiếc khiên còn được dùng để trang trí ở cây cột cái, xà ngang, mặt cắt của các đòn tay nằm ở phía trước nhà làng.

Mô típ hoa văn đặc biệt này được thể hiện bằng nhiều đường thẳng chìa ra xung quanh theo 8 cạnh; đầumỗi cạnh có 8 hình con thoi biểu thị cho mũi nhọn của chiếc giáo, chiếc mâu hoặc hình hoa thị có tia nhọn xung quanh. Hoa văn này đồng dạng với hoa văn mặt trời theo thế giới quan sơ khai của đồng bào. Những mô típ hoa văn chiếc khiên mang ý nghĩa biểu tượng là vật bảo hộ, luôn xuất hiện bên cạnh con người, che chắn cho dân làng được sống trong bình yên, tránh khỏi thiên tai, địch họa.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.