Thăm những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nổi tiếng ở Vĩnh Long
Đến Vĩnh Long, thành phố bên bờ Cổ Chiên (sông Cổ Chiên là một nhánh lớn của sông Tiền), du khách sẽ được tham quan rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Một trong số đó là Văn Thánh Miếu và Thất Phủ Miếu với nét kiến trúc đặc sắc mang đậm sắc thái phương Đông.
Văn Thánh Miếu
Văn Thánh Miếu tọa lạc ở khóm 3, phường 4 (TP. Vĩnh Long), trên mảnh đất rộng trên 1 ha nhìn ra sông Long Hồ. Văn Thánh Miếu được xây dựng năm 1864, thờ đức Khổng Tử và các học trò của ông như Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử…
Văn Xương Các ở Văn Thánh Miếu. |
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Văn Thánh Miếu mang dáng dấp vừa cổ xưa, vừa hiện đại mà vẫn nổi bật được sắc thái văn hóa phương Đông qua cấu trúc, bố cục cũng như những đường nét nghệ thuật kiến trúc tài hoa. Cổng tam quan được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành, hai bên là hai hàng sao cao vút, giữa thần đạo là ba tấm bia đá ghi lại những sự việc có liên quan đến Văn Thánh Miếu.
Trong điện Đại Thành, nơi chính điện thờ Khổng Tử, hai bên Tả ban, Hữu ban thờ các thánh nho. Bên ngoài điện Đại Thành có hai miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) thờ Thất thập nhị hiền. Trong khuôn viên Văn Thánh Miếu còn có ao sen và một công trình kiến trúc nhỏ nằm bên phải lối vào là Tụy Văn Lâu (còn gọi là Văn Xương Các) là nơi thờ các ngài Văn Xương và Võ Trường Toản, đồng thời làm nơi dạy học, hội họp, đàm luận văn chương, đọc sách. Hằng năm, hoạt động Ngày thơ Việt Nam thường được tổ chức nơi đây. Hai bên phải và trái trước Văn Xương Các có hai khẩu súng thần công đại bác, tương truyền là súng đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860.
Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.
Thất Phủ Miếu
Sách Đại Nam nhất thống chí từng mô tả: chợ Vĩnh Long trên bến dưới thuyền, phố xá sầm uất, nhộn nhịp, hàng hóa dồi dào, phong phú, tấp nập kẻ bán người mua, chạy dài hàng năm dặm, ghe thuyền đậu đầy bến sông; có đình miếu thờ thần trang trọng, rực rỡ, đờn ca náo nhiệt, là chỗ phố phường lớn. Vàm sông Long Hồ (thông ra sông lớn Cổ Chiên), trước mặt miếu Thất Phủ là bến thuyền nên những người Hoa chọn nơi đây đặt Hội quán Minh Hương. Thất Phủ Miếu còn gọi là Vĩnh An Cung hay Chùa Ông hiện nay tọa lạc ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, thành phố Vĩnh Long.
Thất Phủ Miếu. |
Theo những tư liệu lịch sử nói về thời khẩn hoang vùng đất phương Nam, vào cuối đời nhà Minh sang đầu đời nhà Thanh, có rất nhiều người Hoa đi theo các di thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thương Xuyên sang nước ta lánh nạn và lập nghiệp. Lúc ấy, biên cương Đại Việt – Champa phía Nam giáp với sông Cái Phan Rang, chúa Nguyễn Phúc Tần (tức Chúa Hiền 1620-1687) đã cho người liên hệ với Ang Nan (Nặc Nộn) là phó vương Chân Lạp yêu cầu cấp đất cho họ vào làm ăn sinh sống ở quanh vùng Prey Nokor (Gia Định - Đồng Nai). Phó vương Chân Lạp đồng ý. Sau đó, nhóm Trần Thượng Xuyên đến khai phá ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa) và nhóm Dương Ngạn Địch đến ở vùng Peam Mesar (Mỹ Tho). Căn cứ vào các tài liệu lịch sử thì người Hoa ở Vĩnh Long thuộc nhóm Dương Ngạn Địch. Nhà Nguyễn thời ấy cho phép họ lập hội Thất Phủ, giống như các hội người Hoa hiện nay.
Thất phủ gồm có bảy phủ là: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu.
Thất Phủ Miếu là công trình kiến trúc mang phong cách miền Hoa Nam Trung Quốc, thịnh hành vào các thế kỷ 19 trở về trước. Công trình được thực hiện bởi nhóm thợ tài hoa từ Phúc Kiến sang. Miếu Thất Phủ có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là đông sương và tây sương. Diện tích xây dựng khoảng 800 m2, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố.
Mái Thất Phủ Miếu lợp ngói âm dương, hai đầu hồi vút cong hình thuyền, trên nóc có tượng “lưỡng long tranh châu”. Chân viền mái ngói là những miếng ngói hình lá có tráng men màu xanh. Ở tiền đình hai cánh cửa có hình vẽ các vị hộ pháp dáng dấp oai phong, dũng mãnh. Bên trên các cửa có nhiều đèn lồng giấy cổ. Hai bên vách trước tiền đình là hai mảng tranh lồng kính rất độc đáo, mô tả lại những điển tích của người Trung Hoa. Bên trong vách hông tiền đình là những bức bích họa mô phỏng theo thi pháp nổi tiếng “Thiếp Lan Đình” đời Đường. Một đặc điểm gây sự chú ý cho du khách là bên trong miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái, hai bên có hai cửa sổ. Bộ giàn trò (khung, sườn) của Thất Phủ Miếu bằng danh mộc được trang trí, chạm trổ rất mỹ thuật và chắc chắn. Mỗi bộ phận trong ngôi miếu đều như những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và độc đáo.
Thất Phủ Miếu thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh Thần. Chánh điện miếu được trang trí trang nghiêm và thẩm mỹ với mấy chục bộ bao lam, hoành phi chạm lộng tinh tế, thếp vàng chói lọi.
Hằng năm, vào ngày 13-1 và 13-5 âm lịch tại Thất Phủ Miếu diễn ra lễ cúng vía Ông (Quan Công) với các nghi thức như: dâng hương, múa lân, sư rồng, biễu diễn võ thuật, cúng hoa đăng, phóng sinh… thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Miếu Thất Phủ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa năm 1994.
Ý kiến bạn đọc