Multimedia Đọc Báo in

Thăm nơi lưu giữ tuổi thơ bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

08:28, 01/05/2018

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước thuộc làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đó là một ngôi làng trù phú, nằm hiền hòa bên con sông Kiến Giang quanh năm phù sa “như dòng sữa mẹ” bồi đắp cho ruộng đồng bao la.

Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi quê hương Lệ Thủy hiện được ông Võ Đại Hàm (74 tuổi), người cháu thúc bá của Đại tướng trông coi, hương khói. 

Bước vào ngôi nhà, du khách như được “chạm” vào những nét cổ kính nhất của một tổ ấm truyền thống ở thôn quê Trung Bộ thời bấy giờ. Cổng cửa vào nhà được làm bằng gỗ không cầu kỳ mà chỉ thấy đơn sơ, cứng cáp. Đôi bên cửa cổng nối tiếp nhau bằng hàng rào chè tàu xanh mướt, chỉn chu chạy bao quanh khu vườn nhà rộng rãi, thoáng đãng. Màu xanh của hàng rào chè tàu tạo nên vẻ gần gũi, yên ả đến lạ thường. Ngôi nhà có ba gian, hai chái (gian nhỏ lợp một mái ở hai đầu nhà) và mái nhà lợp bằng ngói đất nung. Gian chính giữa được bài trí nghiêm chỉnh, trong cùng là bàn thờ gia tiên có ảnh thân sinh của Đại tướng, cụ ông Võ Quang Nghiêm và cụ bà Trần Thị Kiên ở trên cùng, dưới một bậc là di ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái, phu nhân đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Đại tướng qua đời, di ảnh cỡ lớn của ông được đặt trung tâm bàn thờ để phục vụ các đoàn đến dâng hương. Gian giữa còn kê một bộ trường kỷ cũ, khách tham quan được phép ngồi nghỉ ngơi, uống nước và từ đây có thể ngắm nhìn toàn bộ không gian ấm cúng gói gọn trong bố cục khiêm tốn trong căn nhà nhỏ bình dị này.

Hàng rào  chè tàu  bao quanh  nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hàng rào chè tàu bao quanh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nối với gian giữa là hai gian ngủ nghỉ ngăn nắp ở hai bên, mỗi gian đặt một chiếc giường cùng cái tủ gỗ đựng đồ đạc ở đầu giường. Ngoài ra, nếp nhà truyền thống được giữ gìn nguyên vẹn qua từng ô cửa sổ song tre, nơi những cánh cửa sổ, cửa chính mảnh khảnh có thể chống lên trập xuống. Phía phải ngôi nhà ba gian là căn bếp nhỏ nhắn, bốn bờ tường được trét kín bằng vật liệu bùn non trộn cuống rạ. Mái bếp lợp bằng cỏ tranh. Bên hiên chái bếp là nơi để cối xay, cày bừa, cuốc, xẻng, phía trong có kiềng bếp ba chân, có cũi tre đựng xoong nồi...

Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được giới thiệu từng “lát cắt” thời gian trong căn nhà bình dị, từng di ảnh, kỷ vật và cả những cây cổ thụ ngoài sân vườn gắn liền với tuổi ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điểm tham quan cuối cùng mà ông Võ Đại Hàm thường dẫn khách đến sẽ là cây khế ngoài trăm tuổi ở phía trái vườn nhà, nơi mà thuở thiếu thời cậu bé Võ Nguyên Giáp thường trèo lên đó mang theo cả niềm đam mê đọc sách, khám phá. Ông Hàm nói, cây khế chính là chứng tích duy nhất còn lại trong khuôn viên ngôi nhà ấu thơ của gia đình Đại tướng. Năm 1947, giặc Pháp đốt cháy toàn bộ ngôi nhà. Năm 1977, gia đình và chính quyền đã phục dựng lại được nguyên trạng nhưng rồi đã bị bão lũ làm hư hại. Ngôi nhà ba gian truyền thống, cũng như toàn bộ khuôn viên, vườn tược hiện có được UBND huyện Lệ Thủy và gia đình tiếp tục tôn tạo sau này qua nhiều biến cố nhân tai và thiên tai.

Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày chưa đi xa, mỗi lần về thăm quê, sau khi thắp hương cho cha là liệt sỹ ở nghĩa trang huyện cùng mẹ và những người thân đã khuất ở khu mộ gia đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại về với ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang, nghiêm cẩn thắp hương cho tổ tiên rồi ngồi dưới gốc khế già hỏi thăm bà con, làng xóm ai còn, ai mất, mấy năm này nông vụ có được mùa không, hay “Bún chấm ruốc chợ Tréo chừ có ngon không?”. Đi đến đâu, gặp ai Đại tướng cũng tay bắt mặt mừng. Gặp lại ký ức tuổi thơ nào Đại tướng cũng trân trọng, nâng niu bởi quê hương với ông chính là máu thịt. Miền quê Lệ Thủy trong lòng Đại tướng luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng giúp ông suốt đời yên tâm dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.  

Rồi đây Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà thôn An Xá, xã Lộc Thủy sẽ sớm được hình thành để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Còn hiện tại, ông Võ Đại Hàm vẫn làm công việc mà ông rất đỗi tự hào và thấy có ý nghĩa nhất đời mình là gìn giữ và giới thiệu vẻ nguyên sơ của mái ấm bình dị, nơi lưu giữ tuổi thơ trong trẻo, ham học và sớm giác ngộ cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.