Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa truyền thống Tây Nguyên: Những biến dạng bất thường

15:54, 29/12/2017

Bất cứ một nền văn hóa nào cũng đều chịu sự tác động của thời gian, do vậy sẽ có những biến dạng.

Có những biến dạng bị mai một và mất hút trong thời gian là tất yếu và người ta sẽ không cảm thấy nuối tiếc. Nhưng cũng có những biến dạng không hề nằm trong quy luật vận động của xã hội mà do chính con người thiếu hiểu biết, hoặc vụ lợi gây nên. Văn hóa truyền thống Tây Nguyên hiện đang bị nhiều tác động ngoài quy luật, dẫn tới những biến dạng bất thường, khiến những ai tâm huyết với vùng đất này phải xót xa.

Những người từng sống và am hiểu văn hóa Tây Nguyên đều biết cội nguồn của nhiều nghi lễ, tập tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên đều gắn với rừng, với không gian rừng, chí ít cũng dính líu tới cây cối, sông, suối... có nguồn gốc từ rừng. Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của “Đất nước đứng lên” là người rất am hiểu về văn hóa truyền thống Tây Nguyên đã rất chí lý khi gọi văn hóa truyền thống Tây Nguyên là "văn hóa rừng".

Lễ cúng sức khỏe cho voi.
Lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: N. Gia

Đấy là lý do từ xa xưa đồng bào Tây Nguyên rất yêu quý rừng, rất có ý thức bảo vệ rừng. Luật tục Êđê (Điều 80) quy định hình thức xử phạt rất nghiêm khắc với những ai phá rừng: "Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt, nếu người ta bắt được họ, đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại ngay, tay của họ người ta tất phải xiềng lại ngay... Nếu ai biết được con đàn bà ấy là ai, thằng đàn ông ấy là ai thì phải xét xử buộc bồi thường nặng". Rừng không chỉ là nguồn sống của họ mà còn là cõi tâm linh thiêng liêng. Vì thế mà có thần cây, thần rừng, vì thế mà trước khi đi săn người ta phải cúng thần rừng, trước khi chặt cái cây về làm K'pan (ghế dài làm bằng cây gỗ liền) người ta phải cúng thần cây. Bên cạnh lời cúng, người ta đánh chiêng để giao tiếp với thần linh. Cũng vì thế chiêng là vật thiêng. Tiếng chiêng được đánh lên trong không gian của rừng sẽ vừa vang vọng, xa xôi, vừa thăm thẳm u ẩn, như là "sợi dây" liên kết con người với thần linh. Tiếng ông thầy cúng hú gọi thần linh, hú gọi ông bà tổ tiên trên bến nước khi làm lễ cúng có tiếng nước róc rách hòa âm, có những cổ thụ cao vút đỉnh trời, tán che rợp một vùng đứng uy nghi bên cạnh, sẽ gợi trong lòng mọi người một sự gần gũi, chở che của thần linh, tạo cho người ta sống có niềm tin.

Thế nhưng, hiện nay rừng đã bị tàn phá nặng nề. Rừng đã lùi xa buôn làng. Ngày xưa người ta chỉ phải đi cách nhà mấy "đoạn quăng dao" là đã vào tới rừng. Bây giờ nhiều buôn đi bộ cả ngày chưa tới cửa rừng. Cũng vì vậy đâu còn những cuộc săn của lũ trai làng, đâu còn các Gru (dũng sĩ) săn voi tổ chức các cuộc săn kéo dài nửa tháng liền "từ khi chưa thấy thần trăng đến khi thần trăng ngồi trên trời cao tròn và vàng rực như quả cam chín", đâu còn "những ông già và những ông trẻ" rủ nhau vào rừng đẽo gỗ làm K'pan... Cũng vì thế đâu còn những lễ cúng đích thực trước khi chặt cây, trước khi đi săn...; những lễ cúng vốn là sự bắt buộc của phong tục, là sự thôi thúc của tâm linh. Đây là một thực tế đã xảy ra từ mấy chục năm nay. Và vì thế trong nhiều buôn làng hiện nay không còn thầy cúng, không còn người biết cúng, không còn người biết đánh chiêng và chiêng bị mất địa vị là vật gia bảo, vật thiêng ở trong nhà, bị người ta rẻ rúng, đem bán cho các bà đồng nát (báo chí một thời gọi là hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng)...

Chỉ đến khi Nhà nước có chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống Tây Nguyên thì nhiều lễ cúng, nhiều sinh hoạt văn hóa bị bỏ quên lâu nay mới được phục dựng, nhiều bộ cồng chiêng mới được mua sắm và gìn giữ. Nhưng chính sự phục dựng các lễ nghi, sự triển khai các dự án bảo tồn bên cạnh mặt tốt cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng nói, đáng bàn, khiến những ai yêu quý, tâm huyết với văn hóa truyền thống Tây Nguyên đích thực tỏ ra không ít băn khoăn... Băn khoăn vì có những trường hợp: lễ cúng được phục dựng không xuất phát từ thôi thúc nội tâm, từ quan niệm tâm linh của đồng bào; sự phục dựng nhiều khi không do chính những người có hiểu biết về lễ nghi trong đồng bào tự đứng ra tổ chức theo đúng phong tục tập quán mà lại do bàn tay đạo diễn của một cán bộ văn hóa nào đó. Và vì thế nhiều lễ nghi, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục dựng theo phong tục thì ít mà theo "trí tưởng tượng" của cán bộ văn hóa thì nhiều. Còn nhớ cách đây mấy năm ở Bản Đôn tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, vị đạo diễn của ngành văn hóa tỉnh đã "cố gắng" đưa vào chương trình một nội dung có tên là “Lễ hội lửa”; nhưng hỏi đồng bào bản địa: Lễ hội lửa là gì? đã thấy bao giờ chưa? thì tất cả đều lắc đầu không biết (!).

Việc sử dụng cồng chiêng hiện nay cũng hết sức tùy tiện. Chiêng ngày xưa được xem là vật thiêng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, người ta chỉ đánh chiêng khi có lễ thực sự, do nhu cầu tâm linh thực sự. Còn bây giờ, cồng chiêng đang bị sân khấu hóa, thương mại hóa bất chấp truyền thống... Người ta quên mất một điều hết sức quan trọng rằng, muốn bảo tồn và phát huy được giá trị của cồng chiêng thì phải gìn giữ được "không gian sống" của nó. Cồng chiêng tách ra khỏi "không gian sống" của nó khi đánh lên quả thực... nghe chẳng giống ai; có thể gây được cảm giác lạ với ai đó lần đầu nghe cồng chiêng, nhưng nghe vài ba lần thì thấy đơn điệu nhàm chán ngay.

Lễ hội đua voi. Ảnh: N. Gia
Lễ hội đua voi. Ảnh: N. Gia

Cũng xin nói thêm là ở Tây Nguyên chỉ có lễ (lễ cúng, lễ cầu) mà không có hội. Nhưng những năm gần đây, người ta bỗng tổ chức rất nhiều lễ hội ở Tây Nguyên nhằm mục đích thu hút du khách. Và vì vậy ở Tây Nguyên ngày càng có nhiều những sản phẩm "văn hóa Tây Nguyên giả cầy", do chính những "cán bộ văn hóa quần đùi" (chữ dùng của GS-TSKH Tô Ngọc Thanh) ở Tây Nguyên tạo ra.

UNESCO đã rất tinh tế khi công nhận "Không gian văn hóa cồng chiêng" là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, họ đâu có công nhận bản thân cái cồng, cái chiêng với một số bài bản âm thanh của nó...     

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc