Multimedia Đọc Báo in

Láp - món ăn riêng có của người Ma Coong

15:04, 10/12/2017

Măng chấm cheo và láp là hai món ăn truyền thống, dân dã và vô cùng độc đáo của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).

Cheo của đồng bào Ma Coong là thứ gia vị cực kỳ công phu: cá mát được rút hết xương còn nguyên thịt, đem hong khô dưới nắng và khói bếp đến độ cong quẹo rồi giã mịn kèm với muối sống, tỏi, ớt, tiêu. Dùng những mầm măng vàng xanh non tơ đã luộc chín chấm với cheo cá mát sẽ cảm nhận được vị ngọt của măng mùi mẫn trong cheo; dân dã, bình dị mà đậm đà hương vị miền sơn cước. Măng chấm cheo rất hấp dẫn song láp mới là món ẩm thực đặc biệt của người Ma Coong. 

Nguyên liệu chính của món láp là cá suối. Người Ma Coong cho rằng láp “đúng điệu” phải chế biến từ cá mát (là loài cá nước ngọt, cá mát thích sống nơi đầu nguồn sông suối, nhất là những vực nước sạch sẽ, yên tĩnh). Cá mát để kho, nướng thì không cần đánh vảy, còn làm láp thì cá phải được đánh sạch vảy trơn nhẫy sau khi đã cắt đầu, làm sạch khoang ruột.

Thanh niên Ma Coong ở bản Nịu, xã Thượng Trạch,  huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang chế biến món láp.
Thanh niên Ma Coong ở bản Nịu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang chế biến món láp.

Thân cá sạch vảy được thái ra từng lát mỏng. Trước khi thái cá, bà con sẽ chuẩn bị một thau nước chua để khử mùi tanh và vật ký sinh (nếu có) trên cơ thể con cá. Nước chua là cách gọi tên và cũng là kinh nghiệm dân gian của đồng bào Ma Coong trong quy trình chế biến món láp. Bà con sử dụng lá cây cóc rừng và lá cây lội để chế biến nước chua bằng cách giã mịn rồi hòa với nước sạch. Cá sau khi thái mỏng ngâm nước chua chừng 30 phút. Đầu cá được xâu vào que nhọn tre cật nướng trên ngọn lửa than củi, khi đầu cá ngả sang màu cánh gián, người ta gỡ xuống băm mịn rồi trộn chung với thịt cá tươi ngâm trong nước chua trước đó đã được vớt ra.

Gia vị ướp cá ngoài rau rừng, muối hạt, nước mắm và thật nhiều ớt rừng thì còn có thêm hạt dội rừng. Dội thuộc họ hồ tiêu thân dây, mọc hoang. Tiêu có mùi thơm cay nồng, dội thơm mùi nhẹ nhàng và ngọt mát hơn. Cá, rau, ớt, dội sẽ được trộn chung với nhau rồi ướp thêm khoảng 10 phút nữa, thế là đã xong món láp.

Thịt cá dù sống nhưng được sơ chế, ướp kỹ với các loại gia vị như lá lội, lá cóc, ớt rừng, dội rừng nên người thưởng thức có thể yên tâm thưởng thức vị ngọt, bùi của thịt cá tươi sống mà không sợ… đau bụng.

Láp vẫn được người Ma Coong chế biến ăn hằng ngày. Đây còn là món ăn không thể thiếu trong các dịp cúng bái, lễ lạt hay cả dịp hội ngộ, cưới hỏi. Có nguồn gốc từ thời xa xưa khi người Ma Coong còn sống ẩn dật trong các lèn đá, bây giờ láp đã trở thành món ẩm thực độc đáo riêng có của tộc người này. 

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.