Multimedia Đọc Báo in

Khám phá Bảo tàng Hải dương học Nha Trang

15:57, 14/05/2013

Bảo tàng Hải dương học Nha Trang (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thường được nhiều du khách chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn khi du lịch Nha Trang. Đến với Viện Hải dương học Nha Trang du khách sẽ được khám phá thế giới đại dương thật đa dạng, kỳ thú, mới lạ.

1
Bảo tàng Hải dương học được du khách mọi lứa tuổi chọn là điểm thăm quan khi du lịch Nha Trang

Ban đầu, Bảo tàng Hải dương học Nha Trang có tên là Hồ cá Hải học viện Nha Trang được Toàn quyền Đông Dương thành lập năm 1923 cùng với Viện Hải dương học Nha Trang - tiền thân là Sở nghề cá Đông Dương, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, cùng với Viện Hải dương học, Bảo tàng Hải dương học đã trở thành một bảo tàng độc lập, có quy mô lớn và có giá trị với hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và hàng trăm loài hiện đang được nuôi trong môi trường nhân tạo.

2
Trong Bảo tàng có riêng khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng sa - Trường sa

Bảo tàng là nơi lưu trữ, trưng bày một tập hợp mẫu vật lớn nhất Việt Nam, có tầm cỡ ở khu vực và là kết quả dày công nghiên cứu, tìm kiếm của Viện Hải dương học trong suốt quá trình hoạt động. Cách bài trí mẫu vật hết sức khoa học với lớp lớp những loài, những loại, hoặc để trần, hoặc ngâm trong bình foóc-môn theo từng cá thể có ghi rõ tên khoa học cùng tên thường dùng của chúng.

1
Tấm bản đồ do những nhà hàng hải Hà Lan vẽ năm 1754, đã ghi nhận quần đảo Hoàng Sa (Paracel) là của Việt Nam

 

2
Nơi đây, du khách có thể tận mắt nhìn thấy Bản đồ Trường sa ghép từ hạt cà phê Việt Nam

Điểm tham quan đầu tiên là nơi trưng bày hình ảnh và các mô hình sinh thái biển. Tại đây, du khách được cập nhật những kiến thức cơ bản nhất về địa hình thềm lục địa Việt Nam, độ sâu đáy biển ở từng vùng và các mô hình sinh cảnh của rạn san hô...

3
Du khách được tận mắt nhìn thấy rùa biển nuôi trong hồ

 

4
Những rặng san hô đẹp lung linh

Khu thứ 2 là hệ thống hồ nuôi sinh vật biển nằm dọc theo bờ biển. Có đến hàng chục loài cá, rùa biển và các sinh vật khác như cầu gai, hải sâm, sao biển, tôm hùm, sam, trai tai tượng... được các nhà khoa học nuôi dưỡng, chăm sóc hằng ngày.

2
Một loại tôm cư trú nhiều trong các rạn san hô ở Trường Sa

Khu trưng bày tiêu bản và hồ cá nằm ở tầng trệt của toà nhà chính, giới thiệu những mẫu đặc trưng của bảo tàng được sắp xếp theo hệ thống tiến hoá của sinh vật.

Có thể tìm thấy trong đó rất nhiều đại diện các loài rong biển, hải miên, động vật ruột khoang, giun nhiều tơ, động vật thân mềm, lớp giáp cổ, giáp xác, ngành da gai và các loài cá sụn, cá mập, cá xương, chim biển, thú biển...

3
Cá mao tiên, một loài cá rất đẹp được mệnh danh là “công chúa biển”

Du khách thỏa thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, vô số loài cá hình thù kỳ dị và nhiều sắc màu tung tăng bơi lội trong những hồ nuôi lớn nhỏ khác nhau như: cá mao tiên, những con sam biển, cá mập, hải quỳ ống, các loại san hô, cá chim, cá ngựa…

3
Nhà trưng bày mẫu lớn ấn tượng với bộ xương cá voi khổng lồ. Bộ xương này được khai quật tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà năm 1994 trong khi đào mương thủy lợi. Bộ xương dài 18m và có trọng lượng gần 10 tấn

Khu trưng bày mẫu vật lớn bao gồm các loài cá mập, cá heo, hải cẩu...và ấn tượng nhất là bộ xương cá voi lưng gù dài gần 18 mét (khai quật tại Nam Hà năm 1994).

7
Hải cẩu là loài duy nhất được nuôi trong phòng máy lạnh

Khu đa dạng sinh học biển lưu trữ trên 20.000 mẫu vật đại diện của hơn 10.000 loài đã được các nhà nghiên cứu biển cẩn trọng lập hồ sơ, sắp xếp theo hệ thống phân loại, vì vậy mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu.

8
Cá mặt quỷ, còn gọi là cá đá vì có hình thức ngụy trang rất đặc biệt, giống như đá. Gai trên lưng cá chứa độc tố mạnh, nhưng thịt cá lại không chứa độc tố và là một loại đặc sản

Bảo tàng Hải dương học Nha Trang không chỉ cho du khách một cái nhìn khá tổng quát về đại dương, sự đa dạng tài nguyên thiên nhiên ở nước ta mà còn góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ các loài sinh vật biển đang có nguy cơ diệt chủng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc