Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá

02:16, 01/05/2010

Đôi chân ông đã từng in dấu trên những nẻo đường Trường Sơn, tên tuổi ông - Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá gắn liền với nhiều công trình mang tầm chiến lược như con đường 21, 14, thủy điện Dray H’linh, đường dây 500 KV Bắc - Nam…. 

Ông Lê Xuân Bá (hàng đầu tiên, bên trái) cùng cán bộ chiến sĩ đón Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười về thăm Sư đoàn 470 tháng 10-1990.
Ông Lê Xuân Bá (hàng đầu tiên, bên trái) cùng cán bộ chiến sĩ đón Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười về thăm Sư đoàn 470 tháng 10-1990.
Tự hào được tham gia khai mở đường cơ giới Trường Sơn thời khói lửa
Sinh năm 1935, quê ở Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1953; sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan công binh năm 1963, ông xung phong vào chiến trường chiến đấu. Tham gia trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử từ những ngày đầu, là một trong những người đặt nhát cuốc đầu tiên mở đường cơ giới Trường Sơn ngày 9-8-1964 và gắn bó với Sư đoàn 470 gần nửa đời người, có thể nói chặng đường năm tháng ông đã trải qua như những thước phim lịch sử gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại.

“Ngày ấy ở Trường Sơn, nhiệm vụ của chúng tôi là mở đường cơ giới, là những người đặt chân đến những nơi chưa có dấu chân người, vượt đèo, vượt suối để phóng tuyến, mở đường cho ôtô đi được. Lúc bấy giờ chỉ với hai bàn tay và dụng cụ lao động thô sơ là cuốc, xẻng, xà beng, vậy mà cứ phăm phăm làm. Chia ca làm ngày, làm đêm, làm thêm cả ngoài giờ. Thức ăn thiếu thốn, cơm chủ yếu độn rau rừng, củ rừng, rồi sốt rét, muỗi vắt, bệnh tật… thế nhưng ai cũng hồ hởi, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để làm tròn, làm tốt nhiệm vụ…”, những lời kể của ông như tái hiện lại trước mắt chúng tôi những ngày tháng hào hùng thuở ấy. Dù máy bay địch bắn phá dữ dội, dù khó khăn vất vả, nhưng các chiến sĩ công binh đều nhanh chóng, cấp tốc thực hiện nhiệm vụ mở rộng các tuyến đường, không một trở ngại nào có thể ngăn cản quyết tâm: Nhiều thác ghềnh thì đặt mìn mở luồng lạch, vướng sông thì làm phà để vượt, không có phà thì xẻ gỗ làm thuyền ghép lại, không có đinh thì rèn sắt thành đinh để đóng… Vậy mà mỗi chiếc phà tự tạo bằng gỗ ấy có thể chở trọng tải lên đến 6 tấn, được ghép lại và đã đưa hàng trăm xe tăng vào phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. 

Thật khó để hình dung những sáng tạo nảy sinh trong gian khó lại kỳ vĩ như trong chuyện cổ; mỗi công đoạn, mỗi thời khắc ấy ông đều trực tiếp tham gia và góp phần cùng đồng đội làm nên những kỳ tích thời chiến tranh.

Ông Bá đang trò chuyện với phóng viên.
Ông Bá đang trò chuyện với phóng viên.
Nửa đời người gắn bó với 470
Liên tục từ năm 1964 đến 1975, ông cùng anh em đồng đội gắn bó, bảo vệ tuyến đường hơn cả máu thịt của mình. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông ở lại đơn vị tiếp tục công tác, làm nhiệm vụ trên địa bàn Tây Nguyên. Những ngày đầu mới giải phóng, đường sá, cầu cống đều bị địch đánh phá, hư hỏng nặng nề, bên cạnh đó lực lượng Fulrô, phản động vẫn còn lẩn khuất; nhiệm vụ đơn vị lúc đó là tập trung làm đường, “hàn gắn vết thương chiến tranh” và phối hợp các lực lượng truy quét Fulrô. Ông cùng tập thể chỉ huy Sư đoàn 470 lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mở rộng đường cấp phối, đường rải nhựa, xây dựng cầu, cống bằng gỗ và bê tông… bảo đảm kỹ thuật, chất lượng tốt, bàn giao đúng thời hạn; các con đường 14, 21… đã được nối liền, thông suốt các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 

Năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng, chỉ huy đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có xây dựng các công trình lớn, mang tính đột phá tiêu biểu như Nhà máy thủy điện Dray H’linh. Đây là công trình mà nhiều đơn vị đã từng đến thi công nhưng phải bỏ dở vì gặp quá nhiều khó khăn. Với trách nhiệm cao vì sự nghiệp phát triển kinh tế và kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, Sư đoàn 470 (nay là Công ty Xây dựng 470) đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận tổng thầu toàn bộ công trình.

Đã lường trước những vướng mắc sẽ gặp phải, nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện mới thấy còn nhiều khó khăn ngoài dự tính. Không có nhiều máy móc hiện đại, cũng chỉ với cuốc, xẻng, xà beng, thuốc nổ và sức người, cùng một vài máy móc thô sơ hỗ trợ; với tinh thần quyết tâm cao, đơn vị đã vượt khó, làm 3 ca, liên tục ngày đêm, thực hiện đúng tiến độ và  bảo đảm chất lượng công trình. Ở cương vị chỉ huy, ông luôn quan tâm sâu sát, có mặt ở những nơi gian khổ nhất; vừa làm vừa động viên anh em chiến sĩ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công việc. Bản thân ông đã tham gia và quyết định nhiều giải pháp thi công sáng tạo, hiệu quả: Ứng dụng phương pháp nổ vi sai dưới hố móng, tiết kiệm thuốc nổ trong điều kiện mặt bằng hẹp và nguy hiểm; chỉnh tuyến đường xuống lấy đá ở hố móng sâu 22,5m thay cho cần cẩu tháp, làm lợi hàng trăm triệu đồng; nghiên cứu và tham gia làm máy hút cát trên cơ sở tàu hút bùn, thay thế cho 70 lao động thủ công trong cùng một thời gian lao động; mạnh dạn ứng dụng chất phụ gia lit-nhin vào bê tông, tiết kiệm 545 tấn xi măng… Chỉ trong gần 6 năm, từ năm 1982-1089, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc 14 hạng mục công trình và đến ngày 2-9-1990, tổ máy số 2 và số 3 của Nhà máy thủy điện Dray H’linh đã chính thức phát điện, đưa nguồn điện phục vụ kịp thời cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đây là Công trình lớn nhất của Dak Lak lúc bấy giờ và đã được Bộ Năng lượng (Bên A), các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ thi công. Cũng trong năm này, đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và cá nhân ông được tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Thực hiện xong công trình Thủy điện Dray H’linh, ông cùng đơn vị lại tiếp tục góp mặt, tham gia thực hiện những công trình trọng điểm của đất nước: Đường dây 500KV Bắc - Nam, Thủy điện Buôn Kuốp… Dù ở công trình nào, ông cùng đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần kiên cường, dũng cảm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi nghỉ hưu năm 1997, ông tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội: làm Ủy viên BCH Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh tỉnh, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột… và hiện nay đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào. 

Tự hào được tham gia khai mở đường cơ giới Trường Sơn, nửa đời người gắn bó với 470, ông như cây đại thụ được nhiều thế hệ công binh kính trọng, cảm phục. Ở cái tuổi 75, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá vẫn tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn được tiếp tục cống hiến tài sức cho cuộc đời.

 

Lan Anh – Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc