Multimedia Đọc Báo in

Cần nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch tự chảy ở xã Cư Pui (Krông Bông)

11:53, 20/08/2010

Công trình nước sạch tự chảy của xã Cư Pui (Krông Bông) với tổng vốn đầu tư 6,4 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2009. Đến nay, công trình này đã kết nối đến 500 hộ tại 7/13 thôn, buôn trên địa bàn xã.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 công trình có công suất 250 m3/ngày đêm cấp đủ cho 780 hộ. Tuy nhiên, công trình hiện mới chỉ kết nối cho 500 hộ nhưng thời gian gần đây một số hộ ở buôn Khanh, buôn Khóa đã phản ánh là nước chảy rất yếu, nhất là vào mùa khô vừa qua. Ông Ama Đin, buôn trưởng buôn Khóa cho biết: “Khi mới được kết nối, áp lực nước rất mạnh, đến được cả những hộ ở các thôn, buôn xa. Nhưng hiện nay nước chảy rất yếu, nhiều hộ để bồn trên cao nửa đêm khi không ai dùng nữa nước mới lên được bồn”.

Tìm hiểu thêm mới biết, nước chảy yếu là do vừa qua 33 hộ dân tự ý cắt đường ống để tưới lúa, tưới cà phê, tưới rau và một số đoạn ống đã bị cát đọng lại làm giảm áp lực dẫn đến nước không thể chảy tới các hộ ở trên cao hoặc ở cuối đường ống chính. Bên cạnh đó, việc quản lý và thu phí nước cũng có nhiều bất cập. Trạm cấp nước xã Cư Pui chỉ có 2 nhân viên vừa đi kiểm tra, thu phí, sửa chữa ở 7 thôn, buôn; công việc nhiều trong khi lương mỗi tháng chỉ có 1,3 triệu đồng bao gồm cả tiền xăng xe. Việc thu phí cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ không chịu nộp, có những hộ nhân viên thu phí phải đến 4-5 lần mới thu được.

Để công trình nước sạch xã Cư Pui phát huy tốt hiệu quả, thiết nghĩ, Trung tâm nước sạch và môi trường nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương cần phối hợp tốt trong việc quản lý, khai thác, vận hành; thường xuyên tu sửa nâng cấp; tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong việc sử dụng và bảo quản công trình; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm như cắt đường ống, trộm cắp, phá hoại các thiết bị phụ trợ của công trình.

 

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…