Multimedia Đọc Báo in

Nguyên tắc bầu cử và các tiêu chuẩn về bầu cử, ứng cử

09:24, 21/03/2021

Câu 1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

- Phổ thông.

- Bình đẳng.

- Trực tiếp.

- Bỏ phiếu kín.

Câu 2. Công dân Việt Nam đủ bao nhiêu tuổi có quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp?

Điều 27 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Câu 3. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?

Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định tiêu chuẩn của người ứng cử như sau: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định 6 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội gồm:

+ Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

+ Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

+ Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

+ Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Câu 4. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn gì?

Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định tiêu chuẩn của người ứng cử như sau: Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định 5 tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, gồm:

+ Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

+ Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

+ Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Câu 5. Đơn vị bầu cử là gì? Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào?

- Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính tương ứng với một lượng dân cư nhất định để bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân xác định.

- Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.

- Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.

Câu 6. Số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

Khoản 4 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định:

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu.

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 5 đại biểu.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 3; số đại biểu Quốc hội được bầu là 9 (quy định tại Nghị quyết số 64/NQ-HĐBCQG ngày 3-3-2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia). Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 20; số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được bầu là 75 (quy định tại Nghị quyết số 28/NQ-UBBC ngày 1-3-2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh).

Diễm Xuân (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.