Multimedia Đọc Báo in

Trồng cây xanh - biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả

09:04, 04/06/2020

Trong quá trình bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, việc trồng và bảo vệ cây xanh đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tạo mảng xanh cho đô thị

Trong sự phát triển chung của đô thị, công tác trồng, quản lý cây xanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột luôn được coi trọng. Mảng xanh cho thành phố được tạo nên bởi những con đường rợp bóng cây xanh, rực rỡ sắc hoa bốn mùa, những công viên, hoa viên, tiểu cảnh rải rác đan xen giữa các cụm dân cư. Những loại cây xanh được chọn để trồng thường là sao đen, sấu, viết, bàng Đài Loan… bởi ưu điểm cây lớn nhanh, bóng mát dày, ít bị sâu bệnh.

Nhiều tuyến đường như Đam San, Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn… rợp bóng cây cổ thụ mang lại cảm giác trong lành, mát mẻ cũng như tạo vẻ đẹp đặc trưng của phố núi.

Thanh niên TP. Buôn Ma Thuột tham gia trồng cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường nội thành.
Thanh niên TP. Buôn Ma Thuột tham gia trồng cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường nội thành.
Theo kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu trồng được 10.085 ha; trong đó trồng cây xanh phân tán 1.000 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 365 ha, trồng rừng sản xuất  8.720 ha (trồng rừng mới là 1.625 ha, trồng lại rừng sau khai thác là 7.095 ha).

Có được những kết quả này phải kể đến nỗ lực duy trì và phát triển hệ thống cây xanh của chính quyền và người dân địa phương. Hằng năm, các địa phương đều phát động, hưởng ứng tích cực phong trào trồng cây xanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển cây xanh. Năm 2020, toàn thành phố đã triển khai trồng được 1.800 cây xanh, nâng tổng số cây trồng giai đoạn 2016 – 2020 lên 50.000 cây. Diện tích cây xanh trong đô thị đạt 8,03 m2/người và diện tích đất cây xanh toàn thành phố đạt 17,17 m2/người.

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Buôn Ma Thuột, tính đến cuối năm 2020, diện tích đất có rừng của thành phố là trên 1.589 ha (năm 2019 là 1.100 ha); trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 316 ha, rừng trồng gần 1.273 ha (năm 2019 là 843 ha), độ che phủ rừng của thành phố đạt 4,2%. Kết quả này không chỉ có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, phát huy tác dụng phòng hộ, giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra mà còn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực.

Giữ những cánh rừng xanh mát

Có dịp đi qua tuyến Quốc lộ 14, đoạn qua đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ) nhiều người khá ấn tượng với vẻ đẹp của những cánh rừng xanh mát, vào mùa mưa, sương mù giăng kín như ở vùng non cao, còn mùa hè thì không khí mát mẻ, dễ chịu. Để có được những mảng xanh này, chính quyền và nhân dân thị xã Buôn Hồ đã từng bước trồng rừng cảnh quan, phủ xanh đất trống đồi trọc, chung tay chăm sóc và bảo vệ. Chẳng hạn như Đoàn thanh niên thị xã thường xuyên ra quân trồng, chăm sóc cây xanh ở dọc hai bên tuyến đường quốc lộ; Hội LHPN thị xã trồng cây xanh trong khuôn viên đơn vị, nhà ở, dọc các tuyến đường liên thôn, buôn…  

Đồi Cư H'lăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) xanh mát với hệ thống rừng nguyên sinh được cộng đồng bảo vệ.
Đồi Cư H'lăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) xanh mát với hệ thống rừng nguyên sinh được cộng đồng bảo vệ.

Cùng với công tác trồng cây gây rừng, trồng cây phân tán thì việc bảo vệ, giữ cây, giữ rừng của lực lượng chức năng và cộng đồng cũng góp phần bảo tồn hệ sinh thái trên địa bàn. Đơn cử như rừng đồi Cư H'lăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) là một trong những cánh rừng nguyên sinh vẫn còn giữ được rất nhiều cây cổ thụ có đường kính gốc cây 3 - 4 người ôm.

Để bảo vệ được khu rừng này, người dân ở buôn Ea Mấp gần đó đã cùng với lực lượng chức năng luôn có ý thức canh giữ, không để ai xâm phạm đến mỗi cây rừng. Theo già làng Y Ruê Mlô, người dân nơi đây vẫn lưu truyền một luật tục giữ rừng là nếu người nào chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ, chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân.

Cùng với đó, hễ thấy người lạ đột nhập vào rừng, người dân thông báo cho trưởng buôn hoặc già làng để lập tức cùng dân làng vào kiểm tra, ngăn chặn. Được biết, toàn bộ ngọn đồi Cư H'lăm có diện tích trên 18 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 15,65 ha, thuộc kiểu rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá, một số cây ở tầng trên rụng lá vào mùa khô trong khi ở tầng dưới lá thường xanh, với khoảng 112 loài cây thuộc 38 họ trên tổng số khoảng 3.000 loài thực vật ở Đắk Lắk…

Có thể nói, trồng cây xanh phân tán, trồng rừng không chỉ bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái mà còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.