Tác động của El Nino đến tình trạng hạn hán trong vụ đông xuân 2015-2016
Theo quy luật, khi El Nino hoạt động sẽ hình thành hai hình thế thời tiết trái ngược nhau ở Đông và Tây bán cầu. Tại phía Tây bán cầu thuộc khu vực thuộc châu Mỹ, mưa bão, lũ lụt hoành hành; còn ở phía Đông bán cầu, trong đó có bán đảo Đông Dương, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Ngoài ra, có thể xuất hiện những cơn bão mạnh hoặc thời gian xuất hiện và hoạt động của bão trái với quy luật hằng năm, đồng thời xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực của nước ta có xu hướng cao hơn TBNN và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm - rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở Tây Nguyên có thể thiếu hụt khoảng 20-40%. Ngay trong những tháng mùa mưa, hạn hán nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến những tháng mùa khô kế tiếp. Lượng dòng chảy trên các sông suối trong năm có hoạt động của El Nino mạnh và kéo dài, thường thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%. Nhiều lưu vực sông suối nhỏ bị khô kiệt hoàn toàn. Tình trạng hạn hán và thiếu nước xảy ra sớm hơn so với TBNN.
Hiện tượng thời tiết do ảnh hưởng của El Nino đã thể hiện rõ rệt trên địa bàn Đắk Lắk trong những tháng cuối năm 2015: Mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian, mùa mưa kết thúc sớm hơn TBNN khoảng nửa tháng. Tính đến hết tháng 11-2015, lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN khoảng 20%, ở khu vực phía Đông tỉnh có nơi thiếu hụt đến 50% so với TBNN cùng kỳ; nền nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 1,5 - 2oC so với TBNN; dòng chảy trên các sông suối chính trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với TBNN cùng kỳ, mực nước ngầm tụt thấp.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong vụ đông xuân 2015-2016, trên địa bàn tỉnh sẽ có nền nhiệt độ trung bình toàn vụ ở mức cao hơn so với TBNN. Đợt rét nhất có thể xảy ra vào cuối 12 và đầu tháng 1 (nhiệt độ thấp nhất vào khoảng 13 - 15oC); đợt nóng nhất có thể xảy ra trong tháng 4 (nhiệt độ cao nhất vào khoảng 36 - 38oC). Lượng mưa toàn vụ phổ biến ở mức thấp hơn TBNN, tập trung chủ yếu vào tháng 11-2015 và tháng 4-2016.
Do mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm và khả năng trong các tháng mùa khô lượng mưa bị thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ, nền nhiệt tăng cao và nắng nóng xuất hiện nhiều. Vì vậy cần đề phòng hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng. Để chủ động phòng chống hạn hán, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh, các cơ quan chức năng cần chỉ đạo xây dựng ngay phương án sử dụng nước trong sản xuất cũng như sinh hoạt trên từng địa phương cụ thể; rà soát đánh giá nguồn nước thực tế ở từng địa phương, từ đó bố trí diện tích, cơ cấu, thời gian mùa vụ cho hợp lý theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt cho người và gia súc, cây công nghiệp có giá trị, sau cùng đến cây trồng ngắn ngày tiêu thụ nhiều nước. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về ý thức tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm…; bố trí kinh phí tu bổ, rà soát lại các công trình thuỷ lợi để chống thất thoát nước, tích nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Mặt khác, để thích ứng và sống chung với hạn, về lâu dài cần tăng cường trồng rừng, bảo vệ môi trường. Để môi trường tự cân bằng sinh thái, cần áp dụng ngay các phương pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến như phương pháp tưới nước tiết kiệm, dần dần đưa sản xuất nông nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Bùi Văn Sứng
(Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc