Multimedia Đọc Báo in

Đặc sản ở chợ phiên Tây Bắc

07:58, 24/07/2018

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp xứ sở Tây Bắc, du khách nên dừng chân tìm hiểu những phiên chợ vùng cao ở Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang để thưởng thức và trải nghiệm những nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào vùng cao...

Đặc sản ở các chợ phiên vùng cao Tây Bắc khá phong phú và có nguồn gốc địa phương như măng, rau rừng, xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp, cơm lam, các loại bánh, mật ong rừng, bí đỏ, củ cải và các loại thuốc từ rễ cây rừng… Phiên chợ ở vùng cao Tây Bắc là nơi đồng bào giới thiệu và bày bán những sản phẩm gắn với phong tục của mình như rượu ngô, rượu sắn, rượu chuối thơm nồng được nấu từ những lò rượu truyền thống của người Mông, người Tày; xôi ngũ sắc dẻo thơm được nấu từ những hạt gạo nếp nương tròn mẩy…

Cơm lam - đặc sản không thể thiếu ở các phiên chợ Tây Bắc.
Cơm lam - đặc sản không thể thiếu ở các phiên chợ Tây Bắc.

Ai lên chợ phiên Tây Bắc dù chỉ một lần đều nhận thấy bên cạnh sắc màu thổ cẩm sặc sỡ thì sắc xanh tươi của rau là một đặc trưng của những phiên chợ nơi đây. Rau của đồng bào vùng cao Tây Bắc khá đặc biệt. Đó là giống rau cải được trồng tận trên núi cao. Không giống với cây rau cải thìa, cải canh nhỏ ở miền xuôi, rau cải của người Mông, người Tày xanh non mỡ màng, bẹ lá to, mép lá quăn tít hình mào gà, thân căng nước, dài chừng 4 cm. Xuống chợ, bà con bỏ rau ra khỏi sọt, trải thành từng hàng rau xanh mướt làm mát cả một không gian chợ phiên. Bên cạnh màu sặc sỡ của thổ cẩm, màu vàng của cam sành, màu ngũ sắc của xôi nếp nương thì màu xanh của những hàng rau cải nương làm cho chợ phiên thêm sắc màu tươi mới. Người đi chợ phiên Tây Bắc dù mua nhiều thịt cá để dành cho một tuần cũng không quên dừng lại những dãy rau xanh của người Mông, người Tày để ngắm nghía rồi mua về những bó rau cải nương xanh mướt. Độc đáo hơn, vào những ngày mùa hạ, những gói rêu đá xanh thẫm được đồng bào vùng cao vớt dưới những con suối chảy quanh bản làng, những bó rau lá đắng được hái trên núi cao được bày bán xen lẫn những hàng rau cải nương. Từ chợ phiên, rau xanh được mang về bản để chế biến thành những món ăn chỉ có ở nơi đây. Đó là món cải xào thịt lợn sấy trên gác bếp, món dưa cải vàng suộm, món rêu đá lam bếp than hồng, canh lá đắng mang đến vị ngọt nơi đầu lưỡi.

Những chợ phiên có nhiều đặc sản bạn có thể dừng chân như chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái), chợ Y Tý (Bát Xát – Lào Cai), chợ Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), chợ Mù Cang Chải (Yên Bái), chợ Sa Pa (Lào Cai)…

Chợ phiên Tây Bắc vào mùa thu lừng lựng hương thơm của hoa trái và các loại đặc sản chỉ có ở những vùng đất này. Đó là sắc vàng ruộm của những trái sơn tra được đồng bào Mông hái từ trên núi cao mang xuống chợ phiên. Cây sơn tra là bạn của người vùng cao từ bao đời nay, cứ mỗi khi thu về, trái cây vàng ửng, thơm lựng lại theo con ngựa thồ xuống chợ phiên. Đó là những ống cơm lam dẻo thơm, là hương vị khó quên của rượu ngô nồng nàn, của những mẻ cốm thơm nức gói trong lá dong, những bó măng rừng tươi nõn nà, những chai mật ong rừng đặc sánh, vàng ươm.

 Măng rừng là sản vật không thể thiếu trong chợ phiên Tây Bắc.
Măng rừng là sản vật không thể thiếu trong chợ phiên Tây Bắc.

Dừng chân ở các phiên chợ, thường được tổ chức vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần, du khách có thể ngồi thưởng thức các sản vật ngay trong không gian phiên chợ hoặc mua về nhà sử dụng. Đồng bào vùng cao khi bán thường không cân đong mà chủ yếu bán theo số lượng và cũng ít khi giảm giá nên bạn không nên mất công trả giá thấp làm gì. Kinh nghiệm khi mua là phải hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ, công dụng và cách chế biến. Người bán sẽ giảng giải giúp bạn về đặc sản mà bạn sẽ mua. Những chợ phiên có nhiều đặc sản bạn có thể dừng chân như chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái), chợ Y Tý (Bát Xát – Lào Cai), chợ Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), chợ Mù Cang Chải (Yên Bái), chợ Sa Pa (Lào Cai)…

Thật thi vị biết bao khi được hòa mình vào những phiên chợ ở vùng cao Tây Bắc như những bức tranh sống động nơi miền sơn cước xa thẳm để có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống nơi đây.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.