Multimedia Đọc Báo in

Mo cau vườn cũ

13:48, 19/09/2011

Ở làng xưa quê xưa, cau là một nét duyên không thể thiếu làm tăng thêm vẻ đẹp của từng ngôi nhà, từng dáng dấp người ra vào trong nắng sớm, trong oi nồng trưa, trong sương đêm. Hương hoa cau xao xuyến lòng mỗi người con quê trong những đêm trăng thanh bình, nhất là những chàng trai cô gái đang tuổi cập kê. Quả cau cho bà cho mẹ ăn trầu, móm mém theo những khuôn miệng đỏ tươi, đầy nếp nhăn theo thời gian. Và hơn nữa, những buồng cau đẹp cứ làm chứng cho những cặp vợ chồng sánh duyên dưới lũy tre làng, thêm hy vọng cho hạnh phúc mới khởi sinh và phát triển. Và muôn vàn những cái thân thiết, quyện hòa giữa người và cau trong làng quê Việt Nam nữa.

Nhưng ấn tượng sâu lắm trong lòng tôi vẫn là hình ảnh cái mo cau. Đi hết cuộc đời người nông dân quê xưa, mo cau lúc nào cũng nhận những vai trò đặc trưng mà những thứ khác khó mà đảm nhiệm được. Từ lúc nằm trong nôi, những đứa trẻ đã say giấc trong những trưa hè những cánh quạt mo từ tay bà, tay mẹ. Lớn một chút, kéo mo cau là trò chơi thú vị và mang đậm hồn quê của nhiều trẻ em. Say lòng đến nỗi khi lớn lên, thành chồng thành vợ ở quê mình hay ở một vùng đất nào khác, những đứa trẻ ngày xưa giờ vẫn lưu luyến những ngày cùng kéo mo cau khắp đường làng ngõ xóm. Mộc mạc thế mà trong ký ức mỗi con người không thể nào quên được.

Trên mỗi bước đường mưu sinh của người nông dân xưa, mo cau vẫn là một người bạn gần gũi, chân thành và thiêng liêng rất đỗi. Những buổi trưa làm ruộng không về nhà, hành trang của bà con là gói cơm nắm gói trong mo cau còn âm ấm và một bầu đầy nước. Ngày xưa ruộng thì nhiều mà cũng đôi lúc ở xa nhà. Giữa trưa, ngồi dưới một tán cây mát mẻ nào đó bên ruộng, giở mo cơm nắm ra, lòng đã thấy ấm hẳn lên, niềm hứng khởi trở lại ngay sau một buổi lao động đầy mệt nhọc. Mo cơm nắm cũng theo chân người đến các buổi chợ phiên, đến những vùng đất lạ để mưu sinh. Và chắc hẳn trong con đường Nam tiến để mở mang bờ cõi, những cư dân Việt đầu tiên đi bộ vượt bao dặm đường dài, qua bao nguy hiểm, hành trang mang theo vẫn không thể thiếu được mo cơm nắm cũng như quạt mo, gáo uống nước bằng mo cau. Đó là công cụ đi cùng cuộc chinh phục nhưng cũng là động lực, là sức mạnh để họ kiên cường tìm kiếm và bám trụ nơi vùng đất mới.

Lòng bâng khuâng dõi về những ngày xưa vườn cũ. Giếng nước nhà lúc nào cũng có gàu làm bằng mo cau. Trong lu đựng nước uống dưới bếp cũng có gáo bằng mo cau. Quạt trong nhà cũng từ mo cau mà ra. Mỗi lúc mo cau rụng xuống, ba thường gom lại, lựa những cái vừa ý để làm gàu, làm gáo, làm quạt. Sau buổi làm đồng về, múc gàu nước mo cau từ dưới giếng lên rửa ráy, uống một ngụm nước từ gáo mo cau trong lu rồi phe phẩy cái quạt mo cau trên tay, hình như nỗi mệt nhọc của ba của mẹ vơi đi thấy rõ. Rồi ngồi vào mâm cơm, vui vẻ nói chuyện ruộng vườn, làng xóm. Buổi trưa như dịu hẳn đi.

Lũ trẻ chúng tôi ngày xưa hè đến lại làm bẫy nhông bằng mo cau. Ở vùng đất cát quê tôi mùa hè nhông nhiều vô kể. Một khúc dây cước, một cần tre, một chốt tre và một đoạn mo cau nho nhỏ là đã xong một cái bẫy nhông đơn giản. Sáng sớm làm, nửa buổi sáng là đem ra các cồn cát, gò bãi, tìm hang nhông mà đặt. Thịt nhông nướng ướp muối ớt cùng lá chanh non cứ thơm thơm cay cay đầu lưỡi tôi cho đến tận bây giờ.

Nguyễn Thành Giang

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thôi, đừng buồn!
11:22, 19/09/2011
Thôi, đừng buồn!
11:22, 19/09/2011
Giàn trầu của nội
17:20, 11/09/2011
Giàn trầu của nội
17:20, 11/09/2011
Trung thu quê tôi
09:43, 11/09/2011
Trung thu quê tôi
09:43, 11/09/2011
(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.