Multimedia Đọc Báo in

Lối về

10:36, 29/10/2013
Cánh cửa sắt trại giam nặng nề kéo lại tạo ra những tiếng kêu ken két lạnh lùng. Quang nắm chặt bàn tay thô ráp vì nắng gió khắc nghiệt nơi vùng rừng núi hoang vu của người quản giáo tóc đã muối tiêu. Gió rừng cứ thổi phần phật như chưa bao giờ biết ngừng lại. Nắng ở đây thật khô khốc, rát rạt, tạo mùi chua khét lẹt không lẫn vào đâu được. Trung tá Y Nhếch, quản giáo trại nói:

- Chú về mạnh giỏi, cho anh gởi lời thăm thím và hai cháu nghe, có rảnh thì nhớ viết thơ lên thăm anh. Thôi chú đi kẻo trễ, ở vùng này mỗi ngày chỉ có một chuyến xe thôi, nhớ làm lại cuộc đời cho tốt nghe “ mậy ”.

Rồi anh cười sang sảng, tiếng cười lan xa lộng giữa buổi trưa hè yên ả của núi rừng.

- Dạ, em đi, anh ở lại mạnh khỏe, em hứa sẽ sống thật tốt và không… không…

Nói đến đây giọng Quang chùng xuống và nín lặng giây lâu. Bốn mắt họ nhìn nhau, không ai nói thêm được điều gì. Quang bước đi, trên vai là chiếc ba lô bạc thếch sờn cả hai quai đeo, nhưng đối với Quang đó là món quà vô cùng quý giá. Món quà ấy của người quản giáo, người anh, người thầy, là chỗ dựa tinh thần của Quang  suốt năm năm cải tạo này.

Xe lăn bánh, qua khung cửa nhỏ, bóng dáng Y Nhếch cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Nước mắt Quang bất chợt lăn dài xuống má, giọt nước mắt của người đàn ông lầm lỡ, đánh mất cuộc đời, đánh mất hạnh phúc gia đình và đã phải trả giá như một quy luật thật khắc nghiệt đớn đau.

**

*

Năm năm trước, chiếc xe U-oát mang người tù về tội tham ô tài sản nhà nước đến bàn giao cho trại giam.Trước khoảng sân rộng, Quang bơ vơ, cô đơn, lạc lõng lẫn xấu hổ đến chín người, hai tai anh cứ đỏ bừng lên, đôi mắt cứ chằm chằm ngó xuống, chiếc còng trên tay lạnh tê người. Đêm đầu tiên xa nhà, anh nhớ vợ con đến quay quắt mụ người, anh đã quá vô tâm với họ. Giờ này chắc họ cũng không ngủ. Nhung - vợ anh - sẽ sống ra sao? Thằng Lâm, con Thủy liệu có còn nghị lực đến trường, hay chúng sẽ bỏ học vì quá xấu hổ với bạn bè về người cha mà chúng từng khoe với chúng bạn là liêm chính, mẫu mực, tài năng. Hình ảnh công an đọc lệnh bắt giam Quang được phát trên truyền hình làm cả thành phố xôn xao...

Ánh trăng sáng vằng vặc xuyên qua song sắt trại giam, gió rừng thổi ù ù từng đợt, sàn phòng giam lạnh âm âm nhạt nhẽo rợn người. Quang ngao ngán thở dài lẩm bẩm như người mất trí. “Vậy là hết, cuộc đời mình chấm dứt từ đây”. Bản án tám năm tù giam vô cùng khủng khiếp đối với Quang như một cơn ác mộng.

Cả trại giam xôn xao hẳn lên, tiếng chân người chạy thình thịch trong đêm vắng. Tiếng còi xe cứu thương rú lên inh ỏi, khẩn trương, tiếng cửa sắt kéo rên ken két. Trên xe Quang nằm im bất động, anh vừa tự tử bằng cách treo cổ với chiếc áo tù xé nhỏ làm dây. Người phát hiện là cán bộ quản giáo người dân tộc Êđê mà sau này Quang mới biết tên là Y Nhếch. Cũng chính người cán bộ này đưa anh đi cấp cứu sau khi choàng lên người Quang chiếc áo của chính mình.

 Minh họa: Trần Đức  Văn
Minh họa: Trần Đức Văn

Sau lần đó, Y Nhếch thường xuyên lui tới thăm hỏi Quang nhiều hơn. Anh bảo:  “Con người ai chẳng có phút nông nổi sai lầm, cái chính là phải biết dũng cảm sửa chữa, chết là hèn, chú hiểu không? Cố cải tạo cho tốt để được giảm án, đừng có liều vô ích, còn phải nghĩ đến vợ đến con chứ”.

Lần đầu tiên trong đời, Quang bị người khác lên lớp, bảo ban nên mặt anh cứ nóng bừng lên vì tức giận. Quang đã quen với phong cách mệnh lệnh sai bảo cấp dưới bao nhiêu năm. Khi tiếp xúc với anh, họ đã quen cách xưng hô: “Dạ kính thưa giám đốc…”, “Giám đốc sai bảo em điều gì ạ?”. Vậy mà giờ đây anh bị người khác răn đe, chỉ dạy. Quang ậm ừ cho qua chuyện. Câu chuyện bốn năm về trước bỗng hiện về như mới hôm qua. Trong một lần lao động, Quang bị tai nạn cần tiếp máu khẩn cấp. Khổ nỗi nhóm máu anh thuộc loại hiếm nên không trại viên nào cho máu được. Rất may là Y Nhếch có cùng nhóm máu ấy. Lần đó Quang được cứu sống kịp thời từ những giọt máu nghĩa tình. Vậy là Quang mang ơn Y Nhếch cứu mạng đến hai lần. Sau này khi trở nên thân thiết, Quang mới được người quản giáo ấy kể về cuộc đời mình...

Quê Y Nhếch ở một vùng núi rừng heo hút. Mẹ anh, một sơn nữ Êđê phải lòng anh bộ đội trong cuộc hành quân qua cánh rừng Trường Sơn xa thẳm. Y Nhếch được tượng hình trong khói lửa chiến tranh khốc liệt như vậy. Cha anh đi mãi không về, mẹ anh buồn rầu sinh bệnh và mất khi anh lên hai tuổi. Từ đó anh sống với bà con chòm xóm, với buôn làng. Năm mười ba tuổi, Y Nhếch đi theo cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng, anh được cử đi học ở Đại học Công an và đã công tác tại trại giam này hơn hai mươi năm. Có lần Quang hỏi:

- Sao anh không cưới vợ đi, ở vậy buồn chết ?

Y Nhếch cười khà khà rồi nói :

- Ai mà hổng muốn, nhưng tại mình “vô duyên” nên hổng cô nào dám ưng.

Sau này Y Nhếch có kể cho Quang nghe một mối tình, và cũng là mối tình duy nhất của anh. Cô gái đó thuộc gia đình khá giả nên nằng nặc buộc Y Nhếch phải chuyển về thị xã, nếu không thì phải xin nghỉ công tác, gia đình họ đã chuẩn bị sẵn cơ ngơi làm ăn cho hai người. Đêm ấy anh không ngủ cứ thắc thỏm đi ra đi vào, đốt hết điếu thuốc này lại đến điếu thuốc khác. Lá đơn xin nghỉ việc nằm chơi vơi trong đêm vắng. Anh nhớ cô gái ấy da diết, nhưng anh cũng thật ray rứt khi bỏ chốn này, nơi hằng ngày anh hướng dẫn trại viên lao động, khuyên nhủ họ trở về với đường ngay lối thẳng bằng tấm lòng thương yêu chân thật của mình, một người đã chịu nhiều mất mát thương đau. Đến giờ anh cũng chẳng tài nào nhớ hết mình đã nhận được bao nhiêu lá thư cám ơn chân thành của những trại viên đoàn tụ với gia đình. Có cả những người vượt hàng trăm cây số đường rừng trở lại thăm anh. Những lúc ấy anh thật hạnh phúc và tự nhủ với lòng sẽ gắn bó mãi cuộc đời mình với trại giam này dù biết rằng sẽ còn phải đương đầu với nhiều thiếu thốn, khó khăn. Anh lặng lẽ bước ra sân rồi nhẹ nhàng đi dọc theo hành lang các phòng giam. Trại viên đã ngủ thật sâu, Y Nhếch nhìn từng khuôn mặt thân quen, hôm qua họ là người lầm lỡ, hôm nay họ thật vô tư, lương thiện trong giấc ngủ vùi. Anh thấy mình sao nhỏ bé quá, tầm thường quá khi đánh đổi hạnh phúc riêng tư của mình khi mà hàng ngàn trại viên rất đang cần anh. Sống mũi anh cay xè. Anh bước vội về phòng xé toạc lá đơn xin thôi việc quẳng ra cửa sổ. Ánh trăng cứ sáng vằng vặc trong đêm lạnh, soi rõ bức ảnh cô gái ấy được anh trang trọng đặt trên bàn làm việc của mình. Đôi mắt cô gái như cứ trách móc, dỗi hờn, có lúc lại như bêu riếu anh, cười cợt anh, một người chẳng biết thức thời nắm lấy cơ hội đổi đời, cứ khư khư ôm lấy lý tưởng hão huyền, chôn chặt đời mình nơi rừng thiêng nước độc.

- Vậy là mình đi “tong” mối tình, mới đó đã hai mươi năm. Y Nhếch cười buồn.

Từ đó không nghe Y Nhếch nhắc về cô gái ấy nữa, nhưng khung ảnh vẫn còn nguyên vị trí trên bàn làm việc của anh. Càng nghĩ Quang càng thấy mình tầm thường quá, nhỏ bé trước một phong cách sống cao thượng. Quang đã trượt dài trong danh vọng phù hoa. Quang từng là một sinh viên nghèo, vừa chạy bàn cho một quán ăn vừa học đại học. Khổ sở trăm bề vậy mà chưa khi nào anh bỏ học, quần áo thì chỉ đúng có hai bộ đổi thay, mùa mưa còn vất vả hơn nữa, có lúc phải mặc đồ ướt đi học. Thương cha mẹ nghèo nên Quang không đòi hỏi gì, mà có hỏi cha mẹ cũng chẳng có gì để cho. Trong lớp chỉ có Nhung – vợ Quang bây giờ - hiểu và thương anh hết mực. Ra trường hai năm, Quang và Nhung tổ chức một đám cưới nghèo chỉ toàn bánh ngọt với lũ bạn sinh viên ngày trước. Để tổ chức được cái đám cưới đơn sơ ấy Nhung đã phải bán đôi bông tai...

Vậy mà chỉ mươi năm sau, Quang đã leo dần đến chức Giám đốc xí nghiệp bằng tài tháo vát, năng nổ lẫn “ngoại giao” của mình. Anh buộc Nhung ở nhà trông con, ngôi nhà cũ được thay bằng ngôi biệt thự sang trọng, tiện nghi. Có lần công cán nước ngoài về, Quang còn mua hai chú chó bẹc-giê của Đức trị giá hàng chục triệu đồng. Hai đứa con đi học bằng xe hơi quanh năm. Mỗi tháng Quang chỉ ăn cơm nhà qua quýt với vợ con đôi ba lần, còn lại là những trận nhậu thâu đêm ở các vũ trường, nhà hàng quán ăn sang trọng. Nhiều lần Nhung hoài nghi :

- Tiền ở đâu mà anh sắm sửa nhiều đến như vậy ? Hay… hay…

Bao giờ Nhung cũng nhận được câu trả lời gắt gỏng:

- Đàn bà biết gì mà nói, chuyện đàn ông đừng có xía vô.

Thấy chồng cáu gắt, Nhung lặng im đi về phòng ngồi khóc một mình.

Những ngày ở trại, Quang mới thấm thía hết nỗi khát khao của sự tự do, nỗi ân hận cứ kéo nhau về dày vò anh. Không một người bạn nào, nhân viên nào tìm đến thăm anh, những người trước đây luôn khép nép, sợ sệt, e dè trước một giám đốc quyền uy, độc đoán. Có lẽ những người ấy đang nghĩ anh nhận bản án trên là xứng đáng, là một sự trả giá rất sòng phẳng, công bằng. Chỉ có vợ con anh ba tháng một lần đến thăm anh. Lúc ấy cả nhà cùng khóc. Nhung kể: tài sản đã bị kê biên phát mãi để trả lại khoản tham ô không nhỏ của anh, ba mẹ con về tá túc bên ngoại. Cũng may là bạn bè của hai đứa con thường đến động viên an ủi chân tình, nhờ vậy nỗi buồn cũng nguôi ngoai. Nhung đang may gia công ở một tổ hợp tác, cuộc sống tạm yên ổn.

Nhung nói :

- Anh còn nhớ anh Tùng, nhân viên phòng tài vụ không ?

- Nhớ, rồi sao? Cái thằng bướng bỉnh soi mói chuyện của xí nghiệp anh, chính anh ký quyết định cho nó nghỉ việc, sao lại quên được.

Nhung lặng im không nói gì, chỉ còn tiếng thở dài ngao ngán, buồn buồn...

**

*

Đường về quê với Quang sao hôm nay khác quá. Khi xe đi qua ngôi nhà cũ, Quang không đủ nghị lực để nhìn. Có lẽ sự tiếc nuối quá khứ lẫn sự xấu hổ đang đan xen trong tâm hồn anh.

- “Ba về, ba về mẹ ơi”. Tiếng con Thủy, thằng Lâm  reo lên thật to. Nhung hấp tấp chạy từ cái mương sau nhà ra ôm chầm lấy chồng, nước mắt ba mẹ con cứ thỏa sức lăn dài.

Lối xóm đến thăm hỏi thật đông, chú Ba trưởng ấp ôn tồn nói:

- Thôi chuyện cũ bỏ qua nghe con, ráng mần ăn đỡ đần cho vợ con nó nhờ. Vừa nói chú vừa xoa xoa lên đầu Quang như thuở còn nhỏ anh thường sang chơi đánh đáo, bông vụ với thằng An con chú.

- Nhung nè, tiền đâu mà em cất ngôi nhà này vậy ?

- Tiền của cơ quan chú Tùng cho đó ba. Tiếng con Thủy chen vào.

- Tùng nào ?

- Chú Tùng bị anh cho nghỉ việc đó, giờ chú là tổ trưởng tổ may gia công của em nè. Biết chuyện gia đình mình, chú vận động anh em hùn tiền cất nhà này đó.

Quang bần thần ngồi xuống ngạch cửa trước nhà, cái người mấy năm trước mình xua đuổi ra khỏi cơ quan không thương tiếc, giờ lại đứng ra xây mới ngôi nhà cho vợ con mình có nơi che mưa trú nắng, tạo công việc cho Nhung. Có một cái gì nghèn nghẹn trong lồng ngực... Tùng ơi!

Đêm đầu tiên được ngủ ở nhà sau năm năm ở trại, Quang không tài nào chợp mắt. Nhìn nét mặt hạnh phúc của Nhung và các con Quang thấy ấm áp lạ thường, hạnh phúc vẫn chưa từ chối anh. Tiếng thông reo vi vu phía sau nhà trong đêm trăng sáng làm Quang nhớ đến Tùng với nỗi ân hận vô cùng. Quang nhớ đến người quản giáo công an đang bám trụ ở một vùng đất khó để đánh thức phần thiện của những trại viên, làm hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ như Quang…

Truyện ngắn của Song Anh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Chọn bạn mà chơi
10:00, 27/09/2013
Mùa hạ trong ký ức
09:10, 20/07/2013
Mưa trong nắng
10:15, 24/06/2013
Người bảo vệ
09:43, 21/06/2013
Ánh trăng khuya
09:27, 07/06/2013