Multimedia Đọc Báo in

Phòng khám quân - dân y kết hợp: Địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên

06:26, 03/03/2021

Nằm trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, Phòng khám quân - dân y kết hợp Ia R’vê (thuộc sự quản lý của Đồn Biên phòng Ia R’vê) đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

Phòng khám quân - dân y kết hợp Ia R’vê được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014 từ kinh phí thuộc chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tài trợ. Từ ngày thành lập đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phòng khám thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã Ia R’vê thực hiện tốt công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân các thôn, buôn trên địa bàn của hai xã Ia R’vê và Ia Lốp. Trung bình mỗi ngày, phòng khám tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, điều trị cho 10 - 15 trường hợp...

Thượng úy, bác sĩ quân y Hoàng Ngọc Linh (Đồn Biên phòng Ia R'vê)  khám bệnh  cho người dân vùng biên.
Thượng úy, bác sĩ quân y Hoàng Ngọc Linh (Đồn Biên phòng Ia R'vê) khám bệnh cho người dân vùng biên.

Thượng úy, bác sĩ quân y Hoàng Ngọc Linh chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ở biên giới là đường sá đi lại khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc thiểu số phía Bắc đến định cư và sinh sống, do điều kiện kinh tế nên ăn uống thiếu chất, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu như chăn nuôi gia súc gần nơi ở, đêm ngủ không mắc màn… nên dễ bị các loại bệnh thông thường như thoái hóa đốt sống, đau đầu, sốt rét, tiêu chảy, cảm mùa. Hiện nay, số thuốc do bộ đội biên phòng cấp có hạn, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, trang thiết bị phòng khám còn thiếu thốn nhiều, nhất là nguồn thuốc chữa bệnh. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới phòng khám được quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, dụng cụ khám bệnh để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

 

"Phòng khám quân - dân y kết hợp Ia R'vê đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên khi bị ốm đau, đồng thời giảm gánh nặng cho ngành y tế cơ sở trong khám chữa bệnh ban đầu. Tấm lòng và sự tận tình của bác sĩ mang quân hàm xanh đã và đang góp phần thắt chặt tình quân - dân nơi vùng biên của Tổ quốc".

 

Chủ tịch UBND xã Ia R'vê Lê Văn Hoàng Lâm

 

Là một trong nhiều người dân thường xuyên đến khám bệnh, ông Vi Văn Ngút (65 tuổi, trú thôn 5, xã Ia R’vê) tâm sự: Trước đây, do địa bàn xã rộng, mỗi khi có bệnh phải vượt quãng đường 60 - 70 km mới tới được trung tâm huyện nhưng từ ngày có phòng khám do quân y biên phòng phụ trách nên không phải đi xa nữa. Các bác sĩ bộ đội biên phòng khám bệnh rất ân cần, chu đáo, bà con mỗi khi đau ốm đều được chữa trị , xử trí kịp thời. Còn ông Nông Văn Ấm (77 tuổi, trú cùng thôn) cho hay, trước đây ông và các hộ trong thôn hay ngủ lại rẫy vào ban đêm, do đó nhiều người bị muỗi đốt dẫn đến sốt rét. Hiện nay, nhờ có phòng khám phát thuốc, chăm sóc tận tình mỗi khi đau ốm hoặc được hướng dẫn mắc màn khi ngủ nên đã biết cách tự chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Theo Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Văn Hoàng Lâm, toàn xã có 2.212 hộ, 6.809 khẩu, với 25 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là người dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến lập nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương vẫn còn khá cao (chiếm gần 45%). Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, trước đây, mỗi khi có người đau ốm nặng, người dân ở đây lại phải sử dụng xe máy đưa họ ra trung tâm huyện Ea Súp cách xa hơn 60 km.

Từ ngày có phòng khám, công tác khám chữa bệnh cho người dân ở địa phương đã được cải thiện, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu từng bước được đảm bảo. Không chỉ là địa chỉ khám chữa bệnh cho người dân vùng biên, các bác sĩ quân y còn có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ người dân nơi đây như thường xuyên đến các gia đình để tuyên truyền việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ chủ quyền biên giới, không vi phạm pháp luật; đồng thời hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đặc biệt, thời gian gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phòng khám đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nâng cao nhận thức về cách phòng chống dịch bệnh...    

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.