Uy linh bên bờ sóng
Phố biển Nha Trang những ngày cuối đông. Hoàng hôn còn vương những tia nắng cuối ngày; hàng dương và những cây phong ba đưa mình reo trong gió. Tôi đứng lặng trước sân đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo, lòng bồi hồi trong dòng cảm xúc miên man. Ngoài kia hàng trăm nghìn con sóng đang dồn dập dội tung bọt trắng giữa mênh mang biển trời phương Nam vời vợi, như vẫn đâu đây vọng về tiếng gươm khua, ngựa hí của những người đi mở cõi thuở nào.
Tượng đài Trần Hưng Đạo. |
Ngôi đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo nằm gối mình bên bờ sóng, đón nắng, gió và hơi thở của đại dương. Đền thờ được tạo dựng từ những năm chiến tranh của thế kỷ trước. Mỗi sớm mai thức dậy, những người lính biển lại được chứng kiến sự uy linh của nó cùng với tượng đài của người anh hùng Trần Hưng Đạo sừng sững giữa trời xanh chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử.
Sau chiến tranh ngôi đền đã không còn được vẹn nguyên; đền mới được dựng trên nền đất cũ. Nét độc đáo của ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc gỗ, đá, gạch, ngói và cảnh quan. Những đường nét mái cong, sự tinh tế của từng chi tiết chạm khắc, toát lên dáng vẻ thanh thoát, uy linh. Bãi cát trước sân đền trải dài dưới cái nắng dìu dịu, từng vạt muống biển vẫn âm thầm vươn ra mép nước. Cây cối quanh đền cũng mang một màu sắc lạ: không phải nét truyền thống như si, bồ đề, non bộ mà ngăn ngắt một màu xanh của bàng vuông, phong ba và những hàng dương vi vút. Đền cũng chẳng mang nét thâm u, rêu phong cổ kính thường thấy ở các đền chùa Việt, mà mang hình ảnh của những nét vẽ hào sảng, bình thản, vời vợi giữa trời cao và sóng nước. Những dòng chữ tạc trên bức cuốn thư bằng đá như khắc vào tim, lòng người rưng rưng nhớ về một thuở ông cha chống giặc ngoại xâm: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”… Nhìn về bên phải là Quân cảng, nơi xuất phát những chuyến hàng ra với Trường Sa. Phía sau đền là Học viện Hải quân – mái trường chắp cánh ước mơ của những người giữ biển (theo cách nói của nhà báo Phan Văn Diễn).
Đền thờ Trần Hưng Đạo. |
Biển Nha Trang là thao trường của những người lính thủy. Ngày ngày tôi vẫn thường gặp bước chân của họ nghiêm trang trong đội hình hành quân dưới sân đền. Từng đường bơi, mỗi khoa mục luyện tập trên biển… không quản nắng mưa, những khi biển động hay dưới cái nắng cháy da của miền Trung, những người lính vẫn miệt mài tập luyện trên sóng nước. Hình ảnh tượng đài, đền thờ là nơi các anh lưu dấu, học tập, luyện rèn vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Trước sân đền chiều nay, tôi gặp Nguyễn Đức Sinh, chàng trai quê lúa Thái Bình với cặp mắt ngời sáng, nước da đen giòn. Sinh năm nay 20 tuổi, đã có hơn hai năm công tác ở đảo và vừa mới từ đảo Sinh Tồn trở về đất liền. Anh về Học viện Hải quân theo học lớp dự bị đại học để tới đây chuyển tiếp là học viên của Trường Sĩ quan lục quân 2. Hôm nay là ngày nghỉ, Sinh hẹn bạn gái đến công viên và thăm viếng đền thờ Đức Thánh Trần. Anh tâm sự: “Nhiều đêm em thao thức mãi mà không chợp mắt, như cảm thấy thiêu thiếu một điều gì. Thiếu tiếng sóng trong giấc ngủ, thiếu tiếng cười của đồng đội, hình ảnh các em nhỏ và mái chùa ở Trường Sa…”.
Một điều không thể lãng quên là hình ảnh của người giữ đền Phạm Ngọc Thành với công việc thầm lặng, luôn có mặt khuya sớm ở đây để chăm lo đèn khói, phụng thờ đền Đức Ông. Thủ từ Phạm Ngọc Thành nay đã ngoài tuổi 60, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Người con của xứ Trầm Hương này đã có hơn hai mươi năm làm công việc giữ đền (trước đây ông là hội viên ở đền Đức Thánh Trần 124 Nguyễn Trãi – Nha Trang). Mỗi khi chiều muộn ông vẫn thường lặng lẽ gom nhặt từng mẩu giấy, chiếc lá quanh đền. Tiếp xúc, cùng chuyện trò cùng, ông như trải lòng: “Có một ngày tôi đã vào cửa đền và lòng tâm nguyện xin được gửi đời mình nơi cửa Thánh. Cuộc sống thanh thản như người tu hành, coi công việc được hầu Đức Ông là bổn phận cao quý và niềm an lạc. Bởi tôi thấm thía cái hào sảng, sáng trong, đạo nghĩa khi đọc sử Ông và những điều: Trung – Hiếu – Liêm – Tiết…”.
Công viên Bạch Đằng và cụm tượng đài - đền thờ Đức Thánh Trần là điểm đến văn hóa lịch sử của TP. Nha Trang. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước, bà con Việt kiều đã tìm đến đây để thắp một nén hương lòng tri ân người anh hùng của dân tộc. Quanh đền, dưới chân tượng đài, mỗi buổi sáng luôn có tiếng nói cười hồn nhiên của các cháu học sinh tập trung bên hàng dương để học tập, chơi thể thao; và mỗi lúc chiều xuống, trong những phút nghỉ ngơi trên hàng ghế đá có biết bao câu chuyện vui, buồn của những cựu chiến binh và bà con xứ biển.
Phố biển đã lên đèn, tôi kính cẩn thắp nén hương, chia tay với người thủ từ quý mến và thả từng bước chân trên bờ cát, trong văng vẳng tiếng chuông Đền ngân nga. Một ngày bình yên nơi cõi lòng. Và ngoài kia, biển dường như thao thiết vọng khúc nghìn năm.
Duy Hoàn
Ý kiến bạn đọc