Multimedia Đọc Báo in

Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa: Nơi ươm mầm tài năng văn chương

14:28, 23/07/2010
Trại sáng tác Núi Hoa (Cư M’gar) là một địa chỉ văn hóa dành cho các em thiếu nhi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn mỗi dịp hè. Đây là huyện duy nhất trong cả nước tổ chức trại hè sáng tác thơ văn dành cho thiếu nhi.

Địa chỉ văn hóa của trẻ em vùng sâu

Ra đời giữa vùng đất giàu bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng, lại được chính quyền địa phương quan tâm, trại sáng tác Núi Hoa đích thực trở thành sân chơi văn hóa bổ ích và lý thú cho các em. Đã có nhiều học sinh có năng khiếu văn chương của các dân tộc: Êđê, Xêđăng, Tày, Thái, M’Nông… hội tụ về đây vui chơi và tập sáng tác. Nhiều em đã trưởng thành, là cộng tác viên của các báo, đài trong và ngoài tỉnh, hoặc đang theo học tại các trường đại học chuyên nghiệp. Mỗi mùa trại hè có từ 40 đến 60 em, là học sinh giỏi văn và yêu thích văn chương từ lớp 3 đến lớp 12 trên địa bàn, trong 7 ngày, các em được tập trung về đây cùng ăn ở, vui chơi, trao đổi, học tập cách viết và kinh nghiệm sáng tác từ các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng do những người làm công tác văn hóa, văn nghệ  tỉnh Dak Lak tham gia hướng dẫn.
Ngô Quốc Khánh và Đồng Văn Chiến (dân tộc Tày) đã trở thành đôi bạn thân trong mùa trại.
Ngô Quốc Khánh và Đồng Văn Chiến (dân tộc Tày) đã trở thành đôi bạn thân trong mùa trại.

Song song với hoạt động hướng dẫn trên lớp, Ban tổ chức còn dành 2 ngày cho các em tham quan thực tế, giới thiệu về nét văn hóa các vùng miền, thôn bản, di tích lịch sử và tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc. Sau mỗi mùa trại, sáng tác của các em được các cơ quan văn hóa và UBND huyện tuyển chọn cho in thành tập, lấy tên là: Núi Hoa. Nhạc sĩ Linh Nga Niê K’dăm, cho biết, với mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, đặc biệt là mảng Văn hóa dân gian và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như huyện Cư M’gar, cần thiết phải có những trại sáng tác như thế để nuôi dưỡng, khơi dậy và mở mang cho văn chương một huớng phát triển mới. Vì văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một vốn quý.
Một cán bộ đang công tác ở Hội VHNT tỉnh - người tham gia hướng dẫn cho các em nhiều năm - nói: “Chỉ có các em mới đưa vào sáng tác của mình những chi tiết vô cùng “đắt”, chẳng hạn như cách phân biệt gùi đực, gùi cái của đồng bào dân tộc thiểu số…  Khi đọc những cái mới của các em trong tác phẩm làm tôi phải giật mình. Thậm chí, còn có những cái rất mới đối với chúng tôi”. Mỗi mùa trại sáng tác đã hội tụ được những em ở tận vùng sâu vùng xa, mang đến hội trại nhiều phong tục, tập quán đặc sắc mà những người làm văn nghệ chưa có dịp “ghé thăm”.

Ấn tượng mạnh

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar - là một trong những sáng lập viên trại sáng tác, thổ lộ: “Giờ, đến Cư M’gar, nói về mảng văn hóa, văn nghệ, chúng tôi xem Trại Núi Hoa là điểm nhấn của mình, qua đó giới thiệu với các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu”.
Trại trưởng, cô bé Ngọc Linh nhỏ nhắn luôn là tinh thần của trại hồ hởi khoe với chúng tôi từng gương mặt, tiềm năng của trại: “cây viết vàng Núi Hoa”, “tác giả vần thơ hay”,  rồi còn có cả “giải” Người đẹp Núi Hoa như hoa hậu, á hậu, người đẹp của núi rừng…  Em H’Ru Niê, người Êđê, rất gây ấn tượng bởi làn da ngăm ngăm, luôn miệng tủm tỉm cười ngượng ngập khi được Ban Giám khảo nhí của trại bình chọn và trao giải “vần thơ hay”, em nói: “Em làm thơ đâu có hay, chỉ “ghi lại” những cảm xúc thật về buôn làng của mình thôi. Em còn muốn giới thiệu với các bạn thật nhiều về bản sắc của người Êđê nữa”.
Cùng nhau học tập, ăn ở, sinh hoạt dưới một mái nhà, vui chơi và sáng tác thật sự  làm các em hiểu thêm về văn hóa truyền thống, cũng như tục lệ của các dân tộc trên địa bàn mình sinh sống. Ngô Quốc Khánh, học sinh lớp 8 Trường Nguyễn Tri Phương cởi mở, mấy ngày ở dây, Khánh được nghe các bạn kể nhiều về phong tục tập quán, nhà sàn của người Êđê, M’Nông…, học hỏi thêm nhiều điều lý thú mà em chưa từng biết.
7 ngày ngắn ngủi của Trại hè cũng nhanh chóng trôi qua, các em trở về lại với buôn làng mang theo bao điều mới mẻ về một vùng đất và những người dân tộc anh em cùng chung một bản xứ.
15 năm nổ lực, lặng lẽ vun đắp một trại sáng tác, con đường đến với văn chương còn xa vời và nhiều gian khổ, song các em người kinh hay dân tộc thiểu số tham gia trại cũng đều hiểu rằng cần phải gắn bó yêu thương trên mảnh đất này, góp nên những trang viết thiết thực, xúc động về vùng đất và con người nơi đây.
Trời về chiều, đang giữa mùa mưa Cao nguyên, chúng tôi rời trại để kịp bắt chuyến xe cuối cùng trở lại thành phố. Trong cặp, quà tặng là mấy tập thơ Núi Hoa. Tôi hiểu, để ươm mầm văn chương cho các em còn có cả những giọt mồ hôi tâm huyết lăn dài theo sau mỗi hành trình làm văn hóa của những người tâm huyết, với niềm mong ước khơi miền sáng cho một miền đất bắt đầu từ những mầm ươm…
Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.