Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh sởi

04:27, 08/05/2020
Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa khô và bệnh truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em thường dễ mắc bệnh hơn.

Năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 387 trường hợp mắc sởi, tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Theo nhận định của các chuyên gia y tế thì năm 2020 bệnh sởi cũng có thể tiếp tục gia tăng.

Bệnh sởi do vi rút sởi xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. Bệnh sởi lan truyền do dịch mũi, họng của người nhiễm bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Vi rút sởi lan truyền rất nhanh, có thể sau 2 giờ người lành hít phải những giọt nước trong không khí có nhiễm vi rút sởi mà người bệnh làm bắn ra, 90% trẻ em tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi sẽ bị lây bệnh.

Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng là biện pháp  phòng bệnh cho trẻ.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng là biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

Theo các bác sĩ khoa truyền nhiễm, bệnh sởi thường trải qua 3 thời kỳ: Thời kỳ ủ bệnh: Thường từ 7-18 ngày, giai đoạn này thường kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, đối với trẻ nhỏ có thể bị đi tướt, trớ, trẻ sơ sinh có thể bị sụt cân mặc dù vẫn bú bình thường.

Thời kỳ phát bệnh: Trẻ đột ngột sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, khớp, chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, có khi bị tiêu chảy. Thời kỳ mọc sởi: Khi các triệu chứng nặng hẳn thì sởi mọc ban nhỏ trên da. Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan theo trình tự trên mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay.

Đến ngày thứ ba kể từ khi xuất hiện ban mọc khắp người, nhiều nhất ở những nơi hay cọ xát hoặc phơi nắng, có khi các nốt ban hợp lại với nhau thành từng vùng. Các nốt ban hình tròn hoặc bầu dục, có màu hồng nhạt, sờ vào mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi ban mọc đến chân, người bệnh hết sốt và ban cũng bắt đầu bay đi (ban mọc kéo dài khoảng 6 ngày rồi lặn). Ban bay để lại các nốt sần, tróc da, những nốt thâm của da sần lẫn vào vùng da lành tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” - đây là dấu hiệu đặc hiệu của sởi. Khi ban bay hết bệnh nhân hồi phục dần dần nếu không có biến chứng.

Trong thực tế đôi khi gặp sởi ác tính: Ban mọc ít, người bệnh sốt cao, mê sảng, xuất huyết, đi tiểu ít… có thể dẫn tới tử vong hoặc bị biến chứng do nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản…

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sởi đặc hiệu. Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng.

Theo các chuyên gia y tế, với sởi lành tính có thể điều trị tại nhà: Nên cách ly người bệnh ngay khi mới bị sốt và viêm phế quản, bảo đảm phòng ở của người bệnh thoáng mát, sáng, tránh gió lùa; hằng ngày nên dùng nước ấm vệ sinh da, răng miệng, mắt cho người bệnh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da, đối với trẻ đã lớn cho súc miệng bằng nước muối (nước muối pha nhạt có thể uống được); cho người bệnh uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đối với trẻ còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú.

Tuyệt đối không tự ý cho người bệnh uống thuốc kháng sinh. Chỉ cho người bệnh dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Chú ý theo dõi thân nhiệt người bệnh nhất là khi sởi bay màu mà người bệnh vẫn sốt cần đưa đến ngay cơ sở y tế để phòng tránh những biến chứng xảy ra.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng như sau: tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm mũi 2 khi trẻ 7 tuổi.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.