Multimedia Đọc Báo in

Xử trí kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật đường thở

10:23, 07/10/2018

Khi ăn và vui chơi, nhiều trẻ nghịch ngợm hay tự nhét vào miệng hay nuốt phải những dị vật như các loại hạt, đồ vật, đồ chơi khiến trẻ bị tắc đường thực quản và hô hấp trên.

Mặc dù trẻ hóc dị vật đường hô hấp ít gặp hơn dị vật đường tiêu hóa nhưng tác hại lại vô cùng nguy hiểm, cần được xử trí nhanh, có khi chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều phụ huynh xử trí không kịp thời hoặc không đúng cách, vô tình đẩy trẻ vào tình huống không thể cứu chữa. Trẻ bị ngưng thở có thể để lại di chứng nghiêm trọng cho não, có thể suy hô hấp…,  nguy hiểm đến tính mạng.

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật gây nguy hiểm đến tính mạng, trong đó có những trường hợp hết sức thương tâm do phụ huynh không biết cách sơ cứu kịp thời cho trẻ. Theo bác sĩ Minh, dị vật đường hô hấp trên là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, phổ biến nhất là các dị vật như hạt trái cây, mẩu xương, vỏ tôm, cua, xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc, viên bi, pin...

Khi thấy trẻ có biểu hiện hóc dị vật, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn làm bé thêm hoảng sợ, không dùng tay móc dị vật vì làm vậy sẽ vô tình đẩy dị vật chui sâu hơn, khiến trẻ suy hô hấp nặng hơn, trẻ sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác. Khi trẻ mắc dị vật đường thở, nếu trẻ vẫn khóc to, ho được, hồng hào, tỉnh táo thì khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ ho và khóc yếu, tím tái, khó thở thì ngay lập tức tiến hành thủ thuật cấp cứu để tống dị vật ra ngoài. Việc xử trí dị vật đường thở tại chỗ phải thực hiện thật khẩn trương nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Khi ăn và vui chơi, nhiều trẻ nghịch ngợm hay tự nhét vào miệng hay nuốt phải những dị vật như các loại hạt, đồ vật, đồ chơi khiến trẻ bị tắc đường thực quản và hô hấp trên. Mặc dù trẻ hóc dị vật đường hô hấp ít gặp hơn dị vật đường tiêu hóa nhưng tác hại lại vô cùng nguy hiểm
Hướng dẫn thực hiện biện pháp ép ngực cho trẻ dưới 1 tuổi khi trẻ hóc dị vật đường thở.  Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn của các bác sĩ, cần lập tức thực hiện các biện pháp vỗ lưng, ép ngực hay ép bụng tùy độ tuổi của trẻ với những động tác nhanh chóng và kịp thời, cụ thể:

Biện pháp vỗ lưng và ép ngực: Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi dùng lực vừa phải vỗ 5 lần vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng hai ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần. Nên làm luân phiên hai biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Đối với trẻ từ 1 đến 8 tuổi khi áp dụng biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, một tay đỡ ngực, một tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.

Biện pháp ép bụng: Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng hai tay về phía trước bụng của trẻ, một tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

Đối với trẻ trên 8 tuổi và người lớn thì áp dụng biện pháp vỗ lưng và ép bụng. Biện pháp vỗ lưng: Cho nạn nhân đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, một tay đỡ ngực nạn nhân, một tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Nếu dị vật chưa được tống ra ngoài thì dùng biện pháp ép bụng. Biện pháp ép bụng thực hiện tương tự cho trẻ từ 1 đến 8 tuổi.

Sau khi sơ cứu cho trẻ thoát khỏi trạng thái suy hô hấp, lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và điều trị cho trẻ. “Để phòng tránh cho trẻ không bị hóc dị vật, tốt nhất không cho trẻ tiếp xúc với môi trường có dị vật, không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng, không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa... Khi chế biến thức ăn cho trẻ, phụ huynh cần chú ý gỡ bỏ hạt, mảnh xương trong thức ăn. Ngoài ra, các phụ huynh nên nghiên cứu kỹ các bước sơ cứu cho trẻ tại hiện trường để thực hiện đúng, nhanh, kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Minh nói.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc