Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh tay chân miệng để tránh những biến chứng nguy hiểm

11:46, 21/10/2018

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus, thường gặp ở trẻ nhỏ, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng. Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất giúp trẻ không mắc bệnh tay chân miệng.

Cháu Nguyễn Hoàng Duy (21 tháng tuổi, ở thôn 1, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) nhập viện tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) trong tình trạng sốt cao, quấy khóc liên tục, trên người nổi nhiều mụn nước, miệng bị lở loét. Bác sĩ xác định cháu Duy bị mắc bệnh tay chân miệng và chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị. Chị Trần Thị Hoài, mẹ cháu Duy cho hay: “Thấy con sốt cao nên gia đình cứ mua thuốc hạ sốt về cho uống, uống hai ngày liên tục mà cháu vẫn không hạ sốt. Sau đó gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện để khám thì mới biết cháu mắc bệnh tay chân miệng ở cấp độ 2A”. Cũng mắc bệnh tay chân miệng và đang điều trị nội trú tại Khoa Nhi tổng hợp, dù được gia đình phát hiện sớm và đã điều trị tại bệnh viện tuyến huyện song hai ngày sau, cháu Ngô Xuân Bảo Hân (24 tháng tuổi, ở thôn 2 xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) vẫn có dấu hiệu sốt cao, quấy khóc, không ăn uống. Chị Phạm Thị Ngọc Lý, mẹ cháu Hân nói: “Trong xóm có vài cháu bị bệnh tay chân miệng nên ngay khi có vài nốt mụn nước trên tay tôi đã đưa con đi khám ngay. Tuy nhiên, bệnh diễn biến quá nhanh khiến tôi không kịp xoay xở, chỉ sau một ngày trên người bé đã nổi mụn nước khắp cơ thể”.

Trường hợp trẻ được phân loại điều trị tại nhà, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh như: sốt cao liên tục khó hạ, quấy khóc không dỗ được, giật mình nhiều, nôn ói nhiều, run chân, đi đứng không vững… thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi tổng hợp đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, lượng bệnh nhân xuất hiện rải rác đều trong các tháng. Đặc biệt, từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình một ngày khoa tiếp nhận điều trị nội trú từ 5 - 10 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Đa phần, các bệnh nhi vào viện đều từ độ 2A trở lên với các triệu chứng như: sốt cao, tay chân run, nôn ói, giật mình hoặc quấy khóc không dỗ được.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.  Ảnh: Đ. Thi
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đ. Thi

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết: Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus. Biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Minh cho biết thêm: Bệnh tay chân miệng đa phần đều được điều trị tại nhà, những trường hợp theo dõi diễn biến nặng mới cần nhập viện. Do đó, khi thấy con có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng với triệu chứng sốt, kèm theo nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và phân loại bệnh.

Theo các bác sĩ, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc; mút tay, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên lau sạch nhà cửa, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày, như: đồ chơi, dụng cụ học tập bằng xà phòng. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc