Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết bệnh: tay, chân, miệng, thủy đậu và ZONA

16:52, 23/10/2011

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
1.Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng thường gặp là ENTEROVIRUS, thuộc nhóm siêu vi đường ruột, họ PICORNAVIRIDAE gây ra. Bệnh lây nhiễm chính qua đường tiêu hóa, trực tiếp từ phân – miệng hoặc gián tiếp qua nước, tay bẩn, thức ăn, đồ uống, bị lây qua phân người mắc bệnh, có trường hợp lây qua đường hô hấp… Bệnh lây nhiễm qua 3 giai đoạn:

-Siêu vi xâm nhập và phát triển: Siêu vi vào cơ thể người, đến cư trú ở họng và đoạn dưới của ống tiêu hóa. Trong 24 giờ chúng vào các hạch bạch huyết và tăng sinh. Giai đoạn này siêu vi được tìm thấy trong nhớt cổ họng và ở phân.

-Tổn thương da và niêm mạc: Từ ngày thứ 3, siêu vi từ các hạch theo máu gây tổn thương cho da, niêm mạc, chủ yếu là vùng miệng, tay và chân. Sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, siêu vi không nhân lên nữa. Cơ thể xuất hiện kháng thể, và hiện tượng nhiễm siêu vi chấm dứt.

-Siêu vi vào thần kinh trung ương: Một số trường hợp siêu vi ở da, niêm mạc trở vào máu lần thứ 2, đến hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não, liệt. Cơ thể xuất hiện kháng thể, siêu vi ở da, niêm mạc, biến mất. Siêu vi ở đường ruột có thể tồn tại đến 17 tuần lễ.

Biểu hiện của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mỏi mệt. Ủ bệnh 1-2 ngày sẽ phát ban, những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên mặt da, sau thành bọng nước. Sang thương ở miệng dạng vết loét, đường kính 4-8mm, thường biểu hiện ở niêm mạc miệng. Bệnh này ít ngứa, không đau rát như thủy đậu và ZONA. Bệnh xuất hiện vào mùa hè, mùa thu và có nơi hầu như quanh năm, ở tất cả mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi.

2.Bệnh Thủy đậu: Thường phá sinh vào mùa đông-xuân. Diễn biến của bệnh: Ban đầu hơi sổ mũi, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa. Vài ngày sau mọc những nốt đỏ ở sau lưng, lan khắp người, nhưng tay chân ít hơn. Mụn to lên nhanh chóng, hình bầu dục, chứa một chất nước trong, có vành đỏ xung quanh, không mưng mủ, rất ngứa, bỏng rát… Độ 3-4 ngày, mụn khô và bong ra. Thủy đậu có tuổi khác nhau, loạt mụn này mọc, loạt mụn khác bay và mọc kế tiếp nhau, khác với bệnh đậu mùa. Người bị bệnh nặng thì mụn mọc dày, sắc tím, tối, màu nước đục, xung quanh đậu màu đỏ thẫm, sốt cao phiền khát, mặt đỏ môi hồng, niêm mạc miệng có nốt phỏng. Trẻ con hay bị bệnh này, người lớn cũng bị bệnh, nhưng ít hơn.

3.Bệnh Zona: Chùm mụn nước to, nhỏ không đều chỉ có một bên cơ thể, có mọc hạch cổ, nách, bẹn cùng bên với nửa thân bị bệnh. Bệnh gây ngứa, nóng rát. Nếu bệnh vào thần kinh thì thỉnh thoảng lại nhói đau.

Phạm Duy

Ý kiến bạn đọc