Multimedia Đọc Báo in

Phát minh khoa học - công nghệ tiện ích

05:59, 19/03/2021

Xe đạp điện 4 bánh như ô tô

Xe đạp điện có tên CityQ Car-eBike do hãng CityQ (Na Uy) phát triển. Car-eBike có kích thước nhỏ gọn, rộng 870 mm, không quá lớn so với chiều rộng của một chiếc xe đạp leo núi (800 mm). Trọng lượng xe 70 kg, gần giống các loại xe đạp leo núi chạy điện, được trang bị động cơ 250 Watt. Xe có cabin, hai ghế xếp dọc, có không gian để đồ, bàn đạp, chở được hai người lớn hoặc một người lớn và hai trẻ em. Cửa xe và cửa kính đều có thể đóng kín hoặc hở một nửa.

Xe đạp điện 4 bánh như ô tô.
Xe đạp điện 4 bánh như ô tô.

Thiết kế của CityQ Car-eBike đáp ứng quy định ở châu Âu về xe đạp điện bốn bánh và chở hàng, vì thế về nguyên tắc có thể chạy trên làn đường dành cho xe đạp dù ngoại hình hoàn toàn có thể bị nhầm là một chiếc ô tô mini. Động cơ điện 250W giúp xe có thể đạt tốc độ tối đa 25 km/h. Điều thú vị là các bàn đạp của CityQ Car-eBike không kết nối với hộp số hay xích xe. Người điều khiển xe nhờ hệ thống drive-by-wire, tức lái bằng dây cáp và tín hiệu điện tử. Xe được kiểm soát nhờ hệ thống truyền động có phần mềm chuyên dụng, tương tự như ô tô điện. Xe dùng hai gói pin, chạy được 70 - 100 km cho mỗi lần sạc.

Que thử thai dành cho người mù

Viện Người mù quốc gia Hoàng gia Anh (RNIB) phối hợp với hãng The&Partnership và chuyên gia thiết kế Josh Wasserman vừa phát triển thành công que thử thai đặc biệt dùng cho người mù. Que thử thai này có thiết kế lớn hơn một chút so với loại que thử thai truyền thống, nhờ dùng xúc giác nên người mù có thể “nhìn” được kết quả mà không cần tới trợ giúp.

Nguyên lý hoạt động của que thử như sau: Khi nước tiểu được thấm vào miếng đệm, nó sẽ kích hoạt khiến nút đầu tiên nhô lên bề mặt thiết bị. Nếu có dấu hiệu mang thai, nút hiển thị thứ hai sẽ trồi lên tiếp, người dùng có thể sờ thấy bằng ngón tay để biết kết quả. Que thử thai đặc biệt nói trên là một phát minh vô cùng ý nghĩa đối với những phụ nữ bị mất thị lực muốn biết kết quả mang thai mà vẫn giữ được bí mật riêng tư của mình.

Sắp có thuốc trị bệnh Alzheimer

Mặc dù chưa công bố chính thức nhưng theo báo cáo thử nghiệm giai đoạn 2 của Công ty Dược phẩm Eli Lilly của Mỹ cho thấy kết quả đầy hứa hẹn của một loại dược phẩm điều trị bệnh Alzheimer mới có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức ở con người. Loại thuốc mới có tên Donanemab nhắm mục tiêu vào các mảng protein amyloid được cho là thủ phạm chính gây thoái hóa thần kinh liên quan đến bệnh Alzheimer. Cơ chế tấn công của Donanemab mang tính tập trung hơn so với nhiều loại thuốc chống amyloid hiện có. Thử nghiệm ở 273 đối tượng mắc bệnh Alzheimer có triệu chứng giai đoạn đầu, sau 73 tuần Donanemab làm chậm sự suy giảm nhận thức 32% so với giả dược. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngay cả với kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 thành công, Donanemab còn phải chờ ít nhất từ 7- 10 năm nữa mới được đưa vào ứng dụng lâm sàng.

Tuyến đường thông minh biết "giao tiếp" với xe cộ

Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) hiện đang thử nghiệm cung đường “thông minh” có chiều dài 4 km ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây là đoạn đường được thiết kế cho các phương tiện giao thông không người lái, chủ yếu là xe buýt tự hành. Các phương tiện này sẽ tiếp nhận thông tin về tình hình giao thông không chỉ từ hệ thống lắp trên xe mà còn từ các cảm biến, camera, radar và những thiết bị tiện ích khác được xây dựng trên hệ thống đường, đèn hiệu giao thông và biển báo đường phố. Nói cách khác, trên tuyến đường này phương tiện giao thông không người lái và mặt đường có thể liên tục “giao lưu” với nhau được.

Tuyến đường thông minh biết
Tuyến đường thông minh biết "giao tiếp" với xe cộ.

Dự án đường thông minh là chương trình được Chính phủ Trung Quốc ưu tiên để cải thiện an toàn đường bộ và giúp giao thông hiệu quả hơn.

Thiết bị giảm cân cấy ghép trong người

Mới đây, nhóm chuyên gia ở Đại học Texas A&M, Mỹ (TAMU) đã phát triển thành công thiết bị cực nhỏ cấy ghép trong người có khả năng giúp giảm cân tốt hơn nhiều so với các phương pháp hiện có như phẫu thuật hay thắt dạ dày.

Đây là thiết bị không dây, kích thước khoảng 1 cm, điều khiển từ xa bằng nguồn sóng vô tuyến, có khả năng kích thích các đầu dây thần kinh trong dạ dày. Theo đó, khi nguồn vô tuyến được bật, ánh sáng từ đèn LED có tác dụng kích thích dây thần kinh phế vị, kiểm soát sự thèm ăn.

Robot biết nấu ăn và giặt quần áo

Tại Hội chợ Điện tử tiêu dùng quốc tế (CES) tổ chức đầu năm 2021, hãng Samsung đã giới thiệu hàng loạt robot thông minh thế hệ mới có khả năng làm nội trợ và chăm sóc chủ nhân. Đặc biệt là robot biết nấu ăn và giặt giũ quần áo có tên Bot Handy. Bot Handy có một cánh tay duy nhất và ba điểm xoay cho phép cầm nắm, mang theo và định vị các vật thể dễ vỡ như bát đĩa. Bot Handy còn được trang bị camera AI để nhận diện đối tượng và đưa ra cách xử lý phù hợp. Chưa hết, Bot Handy còn có khả năng phát hiện, phân loại đồ giặt, sắp xếp vật dụng trong nhà, thậm chí có thể rót rượu mời chủ nhân hay thu xếp đồ đạc theo ý thích của chủ nhân. Bot Handy có chân đế di chuyển, đôi mắt có hồn và khuôn mặt xinh xắn, ưa nhìn.

Khắc Duy

(Theo DBC/BIC/NAC/NMN/RNC/BIC- 1/2021)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.