Multimedia Đọc Báo in

Gian nan khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

09:26, 18/04/2018

Trong thời gian qua, tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn các huyện Krông Bông, Cư M’gar có dấu hiệu gia tăng. Các trường và chính quyền, đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để vận động học sinh trở lại trường nhưng không mấy hiệu quả...

Trên địa bàn huyện Krông Bông, theo thống kê, từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, đã có 140 học sinh Tiểu học và THCS bỏ học, trong đó 24 em bỏ học, đi lao động ở ngoài tỉnh. Bỏ học nhiều nhất là học sinh ở các trường THCS vùng sâu, trường có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số như: Trường THCS Cư Pui (44 em), THCS Dang Kang (25 em), THCS Ea Trul (25 em), THCS Hùng Vương (19 em), THCS Yang Mao (10 em)... Nguyên nhân bỏ học chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em phải ở nhà phụ giúp gia đình hoặc theo anh chị đi lao động ở các tỉnh xa.

Trước tình trạng này, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp vận động các em quay trở lại trường. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Lớp 6B có đến 6 em bỏ học. Nhà trường đã phối hợp với địa phương nhiều lần đến vận động song đến nay mới chỉ có 2 em đi học trở lại”. Trường THCS Dang Kang có 8 em bị kẻ xấu lôi kéo bỏ học đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng ngại là một số phụ huynh cũng đồng tình cho con em mình bỏ học, đi lao động sớm. Ban Giám hiệu Trường THCS Dang Kang phối hợp với địa phương đã vận động gia đình đưa được 4 em quay về và các em đã đi học lại. Cô Hồ Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Một số em do hoàn cảnh quá khó khăn, lười học, nhà trường đã nhiều lần đến vận động nhưng vẫn không chịu quay lại trường”.

Một giờ học tại lớp 8A3, Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar).  Ảnh: T.Dũng
Một giờ học tại lớp 8A3, Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar). Ảnh: T.Dũng

Trường THCS Cư Đrăm cũng có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp động viên các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường, trong đó có chương trình “Bữa sáng miễn phí dành cho học sinh nghèo”. Cách làm này đã góp phần giúp tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hơn. Chính quyền xã Cư Pui thực hiện rất nhiều giải pháp như thành lập Ban phòng chống học sinh bỏ học; phối hợp với các trường tổ chức nói chuyện dưới cờ; tặng quà, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các đoàn công tác của tỉnh, huyện tổ chức nhiều cuộc phát động quần chúng trong các thôn, buôn nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên vẫn có hàng chục học sinh bỏ học, một số em đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay xã Cư Pui đã vận động được 6 em quay trở về, trong đó 3 em đã đi học lại.

Ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng GD-ĐT Krông Bông nhấn mạnh: “Hiện nay, Phòng đang quyết liệt chỉ đạo cho các trường làm tốt công tác chủ nhiệm; tổ chức nhiều các hoạt động tập thể; tạo cảnh quan nhà trường thân thiện, tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học để đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm vận động các em ra lớp, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nhất là trong dịp cuối năm học. Trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp với các phòng, ban liên quan và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt chỉ đạo cho các trường cấp phát kịp thời chế độ hỗ trợ cho học sinh, giúp các em giảm bớt đi những khó khăn để tiếp tục đến trường”.

Còn ở huyện Cư M’gar, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng diễn ra khá phổ biến, nhất là học sinh khối THCS.

 

Chúng tôi đang tiến hành rà soát một lần nữa tình trạng học sinh bỏ học để đề ra hướng chỉ đạo, giải pháp giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học, vận động các em trở lại lớp tiếp tục học tập…”.

Ông Lê Hữu Quynh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar

Từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị trấn Ea Pốk) đã có 10 học sinh bỏ học, chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số. Đây là trường có số học sinh bỏ học nhiều nhất ở thị trấn Ea Pốk trong năm học này. Điều đáng nói, dù số lượng học sinh bỏ học của trường khá lớn nhưng vẫn giảm so với cùng thời điểm những năm học trước. Thầy Nguyễn Hữu Thẩm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu như trước đây học sinh bỏ học chiếm 3% thì năm nay chỉ gần 2%... Nhà trường đã tổ chức đến thăm hỏi, vận động các gia đình có học sinh bỏ học, trích từ quỹ lương của các cán bộ, giáo viên trong trường hỗ trợ, giúp các em có thêm điều kiện đến trường. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại rất thấp, số học sinh đi học trở lại không đáng kể. Trong 10 học sinh bỏ học hiện mới chỉ có 1 em trở lại lớp. Nguyên nhân được xác định là do một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi làm ăn xa cùng với bố mẹ; một số em thì lười học dẫn đến học lực kém, không theo kịp chương trình và các bạn trong lớp nên chán nản, không muốn học nữa…”.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, hiện toàn huyện có 90 học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó có 5 em học sinh tiểu học và 85 em học sinh THCS. Một số trường THCS có học sinh bỏ học nhiều là Ngô Mây (xã Ea M’droh), Ea Tul (xã EaTul), Lê Hồng Phong (xã Cư Suê), Đinh Tiên Hoàng (xã Cuôr Đăng) và Hoàng Văn Thụ (xã Ea Kiết)…

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, các trường đã thành lập ban vận động đến từng nhà động viên các em trở lại trường lớp; phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể động viên gia đình cho con đi học. Đồng thời, triển khai rà soát, nắm bắt từng hoàn cảnh cũng như học lực của từng em để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, động viên, giúp đỡ.

        Tùng Lâm - Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc