Multimedia Đọc Báo in

Mô hình VNEN ở cấp THCS gặp khó

10:52, 25/09/2016

Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai tại Đắk Lắk từ năm học 2011-2012 đối với bậc tiểu học và sau đó là bậc trung học cơ sở (THCS). Việc thực hiện mô hình này ở cấp THCS còn nhiều khó khăn.

Điều này đã được Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa trả lời trước diễn đàn kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua. Theo ông Khoa, việc triển khai mô hình VNEN ở cấp THCS gặp một số khó khăn do cơ sở vật chất của hầu hết các trường được xây dựng theo mô hình trường học truyền thống, diện tích lớp học nhỏ, tổ chức cho học sinh học theo nhóm khó. Đội ngũ giáo viên chưa quen đánh giá học sinh theo nhận xét. Tài liệu học tập được chuyển đến học sinh chậm so với khung thời gian năm học, dẫn đến các trường lúng túng trong công tác dạy học.

Áp lực dạy liên môn, tổ chức nhóm học

Theo lãnh đạo và giáo viên một số trường THCS đây là mô hình học tập phù hợp với học sinh nếu thực hiện thành công. Tuy nhiên, dạy học theo tài liệu này vẫn còn nhiều cái khó cần phải thực hiện linh hoạt, sáng tạo hơn. Đơn cử như việc sắp xếp thời khóa biểu đối với một số môn học liên môn còn bất cập, gây áp lực cho giáo viên. “Từ trước tới nay, các trường đại học và cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo theo từng môn riêng lẻ. Một số trường đào tạo ghép môn như: Hóa - Sinh; Lý - Hóa; Lý - Công Nghệ, Văn - Sử, Sử - Công dân, chứ chưa có trường nào đào tạo giáo viên 3 môn như Lý - Hóa - Sinh. Bây giờ theo chương trình VNEN, giáo viên dạy Sinh phải kiêm dạy luôn cả Lý và Hóa vì kiến thức trong môn Khoa học tự nhiên này được tổng hợp, gọi là liên môn”, một lãnh đạo Trường THCS Trần Quang Diệu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết.

Tiết học môn Toán theo tài liệu VNEN tại Trường THCS Trần Quang Diệu (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiết học môn Toán theo tài liệu VNEN tại Trường THCS Trần Quang Diệu (TP. Buôn Ma Thuột).

Một khó khăn nữa mà các trường THCS dạy theo tài liệu VNEN gặp phải là khó có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú, đa dạng nhằm phát triển kỹ năng sống và kỹ năng xã hội cho học sinh khi cơ sở vật chất không bảo đảm, còn kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp thì chẳng khác nào làm khó cho phụ huynh.   

Còn giáo viên cho rằng, dạy theo tài liệu VNEN phải chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm khoảng từ 4-6 em); trưởng nhóm sẽ đọc tài liệu theo sự hướng dẫn của giáo viên, sau đó giảng lại cho các thành viên rồi cùng nhau thảo luận. Để thực hiện điều này, thầy cô giáo mất rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng đội ngũ hội đồng tự quản của lớp và đưa lớp học vào nền nếp. Trong quá trình tổ chức lớp học, giáo viên phải linh động tổ chức các nhóm phù hợp với năng lực của các em, tránh tình trạng xếp các em học yếu ngồi cùng một nhóm càng khiến các em tự ti, nhút nhát hơn.

Cần thực hiện linh hoạt, sáng tạo

Không như dạy học truyền thống “cô giảng-trò nghe”, dạy học theo tài liệu VNEN đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh phải thay đổi cách quản lý, phương pháp dạy-học, cách đánh giá và cách tổ chức lớp học; đặc biệt là sự tham gia của cha mẹ vào việc học của con em mình. Chính vì sự thay đổi này nên một vài phụ huynh phản ánh việc học ở nhà của con em mình theo chương trình VNEN khá phức tạp, có quá nhiều bài tập về thực tế cuộc sống đòi hỏi phụ huynh phải làm cùng. Hay có phụ huynh lo ngại con học “đuối” đi vì mô hình VNEN chỉ hợp với học sinh thích tìm tòi, chủ động sáng tạo.

Một số giáo viên trực tiếp giảng dạy theo tài liệu VNEN chia sẻ, lúc đầu mới thực hiện họ cảm thấy “ngợp” và mơ hồ về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy-học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy-học… Thậm chí có giáo viên lầm tưởng dạy theo tài liệu VNEN không cần giảng bài, không cần “tóm lại” nội dung chính của tiết học, học sinh không phải làm bài kiểm tra định kỳ như phương pháp dạy học truyền thống…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa, mô hình VNEN không mới, thực chất là sự chuyển đổi của mô hình truyền thống. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học. Một vài trường, giáo viên, phụ huynh còn băn khoăn là do chưa hiểu thấu đáo về mô hình VNEN dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện chưa linh động, sáng tạo.

Để duy trì và phát triển dạy học theo mô hình trường học mới ở các trường phổ thông trong tỉnh, năm học 2016-2017 Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ đặc điểm, ý nghĩa của mô hình này. Đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra các trường THCS có tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới để điều chỉnh kịp thời những sai sót, tạo niềm tin của phụ huynh và học sinh.    

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.