Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

09:05, 23/02/2020

Nạn khai thác gỗ, săn bắt muông thú ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar) vẫn âm ỉ chưa thể dập tắt, nhất là trong mùa khô và những ngày lễ, Tết.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích hơn 26.800 ha, trong đó có 21.600 ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nơi có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như: giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc, bò tót, bò rừng, nai… Áp lực nhất đối với lực lượng kiểm lâm trong Khu BTTN Ea Sô hiện nay là lâm tặc ngày càng tinh vi và liều lĩnh, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế. Đơn vị chủ yếu được trang bị súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn cao su. Những công cụ này chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng. Cùng với đó là địa hình phức tạp, hiểm trở, cán bộ quản lý rừng phải đi tuần đường bộ mất cả ngày mới tới địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đi tuần tra rừng.
Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đi tuần tra rừng.

Vất vả nhất là nhiệm vụ bảo vệ rừng ở khu vực do Trạm bảo vệ rừng số 5 quản lý. Từ trụ sở Khu bảo tồn đi theo đường ranh cản lửa khoảng 30 km thì đến Trạm bảo vệ rừng số 5. Trạm 5 nằm bên bờ sông Krông H’Năng, giữa ranh giới 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên. Ông Võ Đức Minh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 5 cho biết, Trạm được giao quản lý, bảo vệ trên 3.006 ha rừng thuộc 3 tiểu khu: 617, 618 và 623. Đây là khu vực có nhiều loại gỗ và muông thú quý hiếm. Những cây giáng hương thân to mấy người ôm, cao hàng chục mét - là "miếng mồi" mà lâm tặc luôn chực chờ sơ hở để đốn hạ.

“Cực nhất vào mùa mưa, mực nước sông dâng lên cao, công tác tuần tra của anh em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc qua được sông thì không về được, có lúc bắt được lâm tặc lại phải ở lại bên sông vài ba ngày chờ nước rút mới được về. Mùa khô, nguồn nước khan hiếm, nhưng anh em vẫn bám trụ với rừng” - Ông Võ Đức Minh chia sẻ.

Khu vực giáp ranh 3 tỉnh lại nằm bên bờ sông nên lâm tặc dễ dàng chạy trốn và tẩu tán tang vật khi bị phát hiện. Thủ đoạn của đầu nậu gỗ ở đây rất tinh vi, chúng lợi dụng những người nghèo sống cạnh bìa rừng, thậm chí cả những đối tượng nghiện ngập từ nơi khác đến khai thác gỗ về bán cho chúng. Lâm tặc thâm nhập vào rừng theo từng nhóm, chúng đốn cây rồi cưa cắt nhỏ ra từng phách, gùi vác hoặc chở xe máy độ chế luồn ra khỏi rừng. Nếu bị phát hiện chúng thường trốn vào rừng. Gặp trường hợp lực lượng bảo vệ rừng mỏng, bọn chúng tụ tập lại khống chế, tẩu tán tang vật.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô cho biết, nhằm giảm áp lực việc khai thác lâm sản trái phép, Khu BTTN Ea Sô đã giao khoán cho 500 hộ dân vùng đệm nhận bảo vệ trên 3.000 ha rừng. Bà con có thêm thu nhập từ việc giữ rừng nên rừng được bảo vệ tốt hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô kể, giữa năm 2019 một nhóm lâm tặc xẻ thịt 1 cây giáng hương, bảo vệ rừng phát hiện, nhưng lực lượng quá mỏng nên bất lực. Bọn lâm tặc đã tụ tập đến gần 40 đối tượng, khống chế anh em bảo vệ rừng. Chúng trói các kiểm lâm lại, lấy xăng đổ vào áo quần của các anh, dọa sẽ đốt nếu không để cho chúng đưa gỗ ra khỏi rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và xử lý tổng số 21 vụ vi phạm với 23 đối tượng, trong đó có 3 vụ vi phạm nghiêm trọng. Đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ chuyển Công an huyện Ea Kar đề nghị điều tra, khởi tố 22 đối tượng.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra một cây gỗ hương bị lâm tặc cắt hạ vào thời điểm trước Tết Canh Tý 2020.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra một cây gỗ hương bị lâm tặc cắt hạ vào thời điểm trước Tết Canh Tý 2020.

 Cùng với việc khai thác gỗ trái phép, tình trạng khai thác cát lậu tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với thôn 1, xã Cư Prao (huyện M'Đrắk) và thôn 4, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) cũng đang là “điểm nóng”. Việc khai thác cát trái phép đã phá hủy môi trường tự nhiên, thay đổi dòng chảy, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng lâm tặc dễ tiếp cận rừng để khai thác lâm sản. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 632 – Phân khu phục hồi sinh thái Khu BTTN Ea Sô cũng đang diễn biến phức tạp, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Khu BTTN Ea Sô có khoảng 5.000 ha đồng cỏ. Vào mùa khô, diện tích rừng trồng mới và những đồng cỏ này rất dễ bắt lửa gây cháy. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng săn bắn tìm cách đốt các thảm cỏ, tạo những loại khoáng có trong tro cháy dẫn dụ một số loài động vật đến để săn bắn. Nhằm đối phó với nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đóng biển báo, tổ chức họp dân tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy; cày gần 78 ha đường băng cản lửa. Đồng thời, cử lực lượng ứng trực suốt ngày đêm, lập một trạm dã chiến thường xuyên có 8 nhân viên kiểm lâm túc trực canh gác.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc