Multimedia Đọc Báo in

Người tập sự hành nghề luật sư tham gia tố tụng với tư cách ủy quyền đại diện có bị coi là vi phạm Luật Luật sư hay không?

14:35, 11/09/2016

Trong thời gian qua, tại các cấp Tòa án xuất hiện một số người tập sự hành nghề luật sư đến tham gia tố tụng tại các phiên tòa dân sự với tư cách là người nhận ủy quyền để tham gia tố tụng thay mặt cho các đương sự.

Do Luật Dân sự không giới hạn quyền được tham gia tố tụng theo ủy quyền; các cấp Tòa án cũng không thể biết ai là người đang tập sự hành nghề luật sư và ai là người dân được đại diện theo ủy quyền hoặc không biết có quy định cấm người tập sự hành nghề luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện nên đã mặc nhiên chấp nhận việc người tập sự hành nghề luật sư thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua việc tham gia tố tụng với hình thức ủy quyền đại diện, trái với quy định của Luật Luật sư.

Luật Luật sư Việt Nam quy định tại điều 14 khoản 3 như sau: “3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật...”. Mặc dù đã có quy định như trên song phần lớn những người tập sự hành nghề luật sư, do nhu cầu học nghề, nắm bắt công việc, kiếm sống… đã tìm rất nhiều cách để được tham gia tố tụng, trong đó rất nhiều người đã tham gia tố tụng theo hình thức ủy quyền tại các phiên tòa dân sự ở các cấp Tòa án.

Qua trao đổi, không ít người, kể cả luật sư, đều cho rằng: pháp luật không cấm người dân tham gia ủy quyền đại diện, người tập sự hành nghề luật sư là người dân, khi họ tham gia ủy quyền đại diện thì họ chỉ dùng tư cách người dân, chứ không dùng tư cách người tập sự hành nghề luật sư nên việc ngăn cấm họ là không thỏa đáng. Tuy nhiên, khi đã đăng ký tham gia tập sự hành nghề luật sư - là những người sẽ trở thành luật sư trong tương lai, người tập sự phải đặt mình dưới sự điều chỉnh của Luật Luật sư, cụ thể là tại điều 14, khoản 3 nêu trên. Người tập sự hành nghề luật sư không thể cho rằng mình là dân nên được làm những gì pháp luật không cấm.

Chúng ta không phủ nhận những nhu cầu chính đáng cùa những người tập sự hành nghề luật sư như đã trình bày ở trên, nhưng nếu muốn trau dồi nghề nghiệp, những người tập tự hành nghề luật sư vẫn có nhiều cách như: đến các phiên tòa để nghe, quan sát, ghi nhận, tham gia tố tụng cùng với luật sư hướng dẫn, thường xuyên trao đổi, học hỏi nghiệp vụ từ các luật sư, tích cực cập nhật kiến thức… Thiết nghĩ, để hạn chế tiến đến loại trừ hoàn toàn việc người tập sự hành nghề luật sư lách luật để tham gia tố tụng, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần thực hiện tốt chức năng tự quản của Đoàn Luật sư như: Tăng cường giám sát người tập sự hành nghề luật sư thông qua luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư; lập danh sách những người tập sự hành nghề luật sư gửi đến các cấp Tòa án đề nghị hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Luật sư nêu trên; lập văn bản nhắc nhở gửi đến các tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có ghi rõ biện pháp chế tài khi phát hiện người tập sự hành nghề luật sư lách luật để tham gia tố tụng theo ủy quyền.          

Luật sư Tạ Quang Tòng

(Đoàn Luật sư tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.