Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: vượt khó khi dịch bệnh tái bùng phát

08:25, 25/02/2021

Đầu tháng 2-2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương trên cả nước khiến nhiều ngành kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn chồng chất, trong đó có du lịch.

Tại Đắk Lắk, mặc dù cộng đồng làm du lịch đã tích cực triển khai nhiều giải pháp kích cầu đồng bộ nhằm thu hút du khách đến với vùng đất giàu bản sắc này, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng do tâm lý e ngại vì dịch bệnh nên lượng khách đến đây không như mong đợi. Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), từ ngày mồng Một đến ngày mồng Mười Tết Tân Sửu lượng khách đến tỉnh ước đạt gần 76.000 lượt người, trong đó chủ yếu là khách nội địa, giảm khoảng 63% so cùng kỳ năm 2020 và chưa bằng 1/3 so với những năm trước đây. Theo đó, tổng doanh thu toàn ngành chỉ đạt hơn 4.711 triệu đồng, giảm từ 65 - 85% so  với cùng kỳ những năm qua.

Bảo tàng Thế giới cà phê giới thiệu quy trình làm rượu cần phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách. Ảnh: Ánh Ngọc
Bảo tàng Thế giới cà phê giới thiệu quy trình làm rượu cần phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách. Ảnh: Ánh Ngọc
“Do dịch bệnh bùng phát trở lại nên lượng khách từ Hà Nội và một số tỉnh thành khu vực phía Bắc phải tạm hoãn đến Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua. Tuy nhiên những gì mà Công ty Du lịch - Thương mại Đam San và những doanh nghiệp khác đã xúc tiến, ký kết với đối tác vẫn không thay đổi - từ gói giá cả ưu đãi, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, thân thiện và giàu bản sắc…, chúng tôi sẵn sàng phục vụ, đáp ứng khách hàng khi họ trở lại đây”. 
Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San

Ông Lê Minh Hảo, Phó Phòng Quản lý du lịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho biết: Vào quý 4 năm 2020, thời điểm mà đợt dịch Covid-19 lần thứ hai tạm được kiểm soát, Nhà nước cũng như cộng đồng làm du lịch ở địa phương đã triển khai một loạt hoạt động xúc tiến, kích cầu ngành kinh tế quan trọng này tại nhiều tỉnh thành như: Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... và ngược lại nhằm củng cố, phát triển thị trường du lịch nội địa, từng bước lấy lại mức tăng trưởng cho ngành du lịch tỉnh nhà trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Song dịch bệnh lại bùng phát lần thứ ba vào những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, khiến mọi kế hoạch, mục tiêu đặt ra không thể đạt được. Theo ông Hảo, hai chỉ tiêu (lượng khách và doanh thu) du lịch trong dịp Tết này đã cho thấy điều đó - và xa hơn là trong quý 1 cũng như quý 2 năm nay, ngành “công nghiệp không khói” của Đắk Lắk tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Du khách đến với Khu du lịch sinh thái Trol Bư (huyện Buôn Đôn) trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Du khách đến với Khu du lịch sinh thái Trol Bư (huyện Buôn Đôn) trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trong bối cảnh ấy, ngành du lịch ở đây vẫn nỗ lực, chủ động để khắc phục và vượt qua. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk Nguyễn Văn Tâm, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ liên quan đã tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin du lịch hiện đại như: website (app) có khả năng tương tác, ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh, mạng xã hội cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác để tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk với đối tác, đặc biệt là khách nội địa đến từ một số tỉnh thành đã xúc tiến, ký kết và kích cầu khi dịch bệnh được kiểm soát, tiến tới dập tắt trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, bao gồm 21 điểm đến, 24 đơn vị kinh doanh lữ hành (nội địa và quốc tế), hàng trăm cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng… cũng thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng một khi du khách quay trở lại Đắk Lắk; tăng cường mối liên kết, chia sẻ giữa các đơn vị làm du lịch trên địa bàn để điều phối tour - tuyến hợp lý và bài bản hơn nhằm nâng cao doanh thu cho từng doanh nghiệp và cho cả toàn ngành trong điều kiện và cơ hội cho phép.

Phương Đình

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.