Multimedia Đọc Báo in

Chuyện "săn" bọ cạp nơi đại ngàn

07:16, 22/12/2020

Ở đại ngàn Tây Nguyên, dưới những cánh rừng cà phê, điều bạt ngàn là nơi trú ẩn của loài bọ cạp núi. Hằng ngày, có nhiều người không ngại hiểm nguy, len lỏi vào rừng để “săn” bọ cạp…

Hành trình đi săn

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi theo anh Lê Anh Tuấn (buôn Dhung, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đi “săn” bọ cạp. Đồ nghề anh Tuấn mang theo rất đơn giản: một chiếc xô và một cái cuốc đào lưỡi nhỏ.

Sau khi vượt qua nhiều rẫy cà phê, đến một vườn điều anh Tuấn dừng lại, bắt đầu quan sát đất và khẳng định dừng ở đây để bắt bọ cạp. Chỉ vào một cái lỗ hơi dẹp, to bằng ngón tay cái, anh Tuấn nói: “Hang bọ cạp hình dạng tương tự hang cua đồng, to hơn hang dế nhưng dẹp chứ không tròn và để biết chính xác bọ cạp còn ở trong hang hay không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người”.

Anh Lê Anh Tuấn (bên trái) đang bắt bọ cạp núi.
Anh Lê Anh Tuấn (bên trái) đang bắt bọ cạp núi.

Nói rồi anh Tuấn dùng cuốc đào vài nhát, trong lớp đất lộ ra xác ốc sên và dế (là thức ăn của bọ cạp), anh dùng một cành củi nhỏ chọc vào hang đã đào, 10 giây sau một con bọ cạp cái mình xanh đen bóng nhẫy với hai chiếc càng béo núc bò ra khỏi hang, nó vừa bò vừa giương càng, cong đuôi hăm dọa. Anh Tuấn nhanh tay túm lấy đuôi nó rồi ném vào xô, đoạn anh lại chọc chiếc gậy vào hang thêm một lúc nữa, có thêm hai con bọ cạp lần lượt chui ra ngoài. Cứ thế, chúng tôi len lỏi hết vườn điều này sang đến vườn cà phê khác, đến quá trưa anh Tuấn cũng bắt được gần 100 con bọ cạp núi.

Hả hê với “chiến lợi phẩm” của mình, anh Tuấn hào hứng chia sẻ, những ngày đầu đi bắt bọ cạp, có hôm chỉ bắt được vài con đến vài chục con, anh không dám bắt bằng tay không mà dùng que gắp, đã vậy nhiều lần sơ suất bị bọ cạp cắn đến sưng phồng tay. Tuy vậy, lâu dần, anh quen với việc bắt và bị cắn nên dùng luôn tay không để bắt, anh còn cho rằng hiện giờ dường như bản thân đã “miễn dịch” nên nếu có bị bọ cạp chích cũng chỉ tê tay tầm 10 phút là sẽ khỏi, chứ không bị đau lâu hay sốt như người bình thường.

Cũng đã “săn” bọ cạp núi được hơn hai năm nay, vợ chồng chị Lưu Thị Loan (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lại có một “bí kíp” bắt bọ cạp mà không phải tốn sức đào đất, đó là dùng “kiến nhọt” (loại kiến màu đen, phần cuối bụng có kim chích giống như loài ong). Chị Loan cho hay, đây là cách bắt bọ cạp mà một người bạn ở dưới Đồng Nai đã chỉ cho vợ chồng chị và nhiều người dùng cách này để đi bắt bọ cạp.

Theo đó, từ chiều hôm trước ngày đi “săn” vợ chồng chị Loan đi lùng sục để bắt một xô kiến nhọt khoảng hơn nửa ký, cho chúng đói một đêm rồi bỏ vào xô, để bên trong những cành củi khô rồi sáng mai mang đi. Khi đến hang của bọ cạp núi, chị Loan cùng chồng dùng một chiếc que có gắn lông ở đầu, sau đó nhúng vào đàn kiến trong xô cho chúng bu vào rồi nhét vào cửa hang. Khoảng 10 -15 giây sau, bọ cạp núi bị kiến nhọt hung hăng tấn công, đau quá phải bò ra bên ngoài. Lúc này, vợ chồng chị Loan nhanh chóng dùng tay không thu “chiến lợi phẩm” bỏ vào xô. Trung bình một buổi, vợ chồng chị Loan bắt được khoảng từ 2 đến 4 kg bọ cạp.

Nghề tay trái, “hái” ra tiền

Đã có thâm niên gần chục năm “săn” bọ cạp núi, bởi thế anh Tuấn được mệnh danh là “thợ săn” bọ cạp của vùng. Anh Tuấn trò chuyện, vào năm 2013, nhiều thương lái săn lùng bọ cạp núi với giá cao, mỗi con to có giá khoảng 10.000 đồng, bởi thế vào năm đó ở đây rất đông người đi bắt bọ cạp. Tuy vậy, giá bọ cạp hiện đã giảm chỉ còn từ 3.000 – 7.000 đồng/con và phải đi xa tìm kiếm nên đến nay trong vùng chỉ còn khoảng 5 - 6 người thỉnh thoảng đi bắt kiếm thêm thu nhập. Riêng anh Tuấn, chỉ khi có khách ở các tỉnh Bình Phước, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh gọi điện đặt hàng, anh mới lặn lội vào các rẫy cà phê, điều trong vùng hay ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), các xã của huyện Ea Súp để bắt. Có ngày “trúng mánh” bắt được nhiều, anh Tuấn kiếm được gần cả triệu đồng.

Chị Lưu Thị Loan cùng những con bọ cạp núi vừa đi “săn” về.
Chị Lưu Thị Loan cùng những con bọ cạp núi vừa đi “săn” về.
 

“Nghề “săn” bọ cạp núi thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ngoài nguy cơ bị bọ cạp cắn thì việc len lỏi vào các vườn cà phê, điều tìm bọ cạp cũng rất dễ gặp phải rắn, rết. Bởi thế, người đi săn cần phải chú ý quan sát, chân nên mang ủng để tránh những trường hợp đáng tiếc.”

 
Chị Lưu Thị Loan, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

Cũng như anh Tuấn, bình thường vợ chồng chị Loan làm rẫy nên chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi hay khi có khách đặt hàng mới đi bắt bọ cạp, bởi nếu đi bắt về mà không bán nhanh bọ cạp sẽ gầy thậm chí chết. Chị Loan cho biết, bọ cạp núi sinh sống trong tự nhiên nên được khách hàng ưa chuộng, nhu cầu của khách cũng rất đa dạng: nuôi làm cảnh, chế biến các món nhậu (bọ cạp chiên giòn, rang muối, xào sả ớt, chiên bơ…), ngâm rượu làm thuốc, làm thức ăn cho chim, làm mồi câu cá... Khách hàng của chị ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng… Hiện nay, tháng ít thì chị Loan bán tầm một vài ký, tháng nào đơn đặt hàng nhiều chị Loan bán được từ 12 – 13 kg bọ cạp, với giá bán dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình chị Loan cũng có thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống.

Tuy là một nghề có thể “hái” ra tiền nhưng “săn” bọ cạp đòi hỏi sức khỏe cũng như kỹ năng, kinh nghiệm và sự gan dạ, bởi không phải ai cũng đủ can đảm để đưa tay ra bắt bọ cạp. Theo lời chị Loan thì không phải lúc nào đi cũng tìm được nhiều bọ cạp, có hôm vợ chồng chị đi cả buổi nhưng cũng chỉ bắt được vài lạng bọ cạp. Hơn nữa, khi đã bắt ở những vùng gần thì ngày hôm sau mình phải đi đến nơi xa hơn, như: Đắk Mil, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông)… để tìm. Bên cạnh đó, bọ cạp sinh sản từ 20 - 30 con mỗi lứa, khoảng một đến hai tháng chúng lại đẻ lứa mới nên để tránh khai thác theo kiểu “tận diệt”, vợ chồng chị Loan chỉ bắt những con to, những con có “bầu” anh chị đều không bắt. Vì vậy, có những vùng sau khi anh chị bắt chừng vài tháng quay lại thì bọ cạp vẫn còn rất nhiều.

Huyền Diệu - Phương Thảo

 

 

 


Ý kiến bạn đọc