Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui giản dị của trẻ em vùng sâu

09:28, 28/07/2019

Nếu như ở thành phố, mùa hè, trẻ em phải “chạy show” ở những lớp học kỹ năng, trại hè… thì những em nhỏ ở Tiểu khu 249 (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) lại cùng cha mẹ lên nương rẫy hoặc ở nhà đùa vui bên gốc cây, nương ngô, nương sắn.

Do ít giao tiếp, trẻ em ở Tiểu khu 249 khá ngại ngùng, e dè khi tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là người lạ. Em Bàn Đức An cũng vậy, làn da An đen nhẻm, tuy đã 9 tuổi, nhưng thân hình còi cọc như học sinh lớp 1. Hằng ngày bố mẹ An đi làm rẫy thường xuyên về muộn, An phải tự lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và trông nom đứa em gái 7 tuổi. Suốt một tháng hè trôi qua, An "làm bạn" với cây trứng cá phía sau nhà, đồng hành với cậu bé luôn là cô em gái nhỏ và hai người em họ.

Anh Bàn Văn Sỉnh - bố của An chia sẻ, nghỉ hè thầy cô giáo về lại xã, trường lớp vắng tanh, trong khi chúng tôi lại bận bịu kiếm cái ăn, nên đành để các con tự chơi với nhau. Không đồ chơi, lũ trẻ hết líu lo chuyện trò bên hông nhà, rồi lại thoăn thoắt ra sau vườn hái trứng cá. Cái nắng hè rát bỏng không ngăn được những cậu bé đầu trần, quần áo lấm lem, đi chân đất tinh nghịch cười đùa. Trên ngọn cây cao, lũ trẻ tíu tít về một câu chuyện gì đó trông rất vui mà chỉ chúng mới hiểu.

Trẻ em vui đùa trên cánh võng.
Trẻ em vui đùa trên cánh võng.
 
 "Trẻ em ở Tiểu khu chiếm khoảng 1/3 dân số vùng này. Vào ngày hè, thường thì những em học THCS phải theo bố mẹ lên nương rẫy, còn đứa nhỏ hơn ở nhà tự chơi với nhau. Đặc thù ở đây không có sông suối nên bố mẹ cũng yên tâm phần nào, tuy nhiên do không ai trông nom nên việc xây xát tay chân, mặt mũi xảy ra thường xuyên. Có lẽ đã quá quen với điều này, nên lũ trẻ chẳng mấy khi kêu ca, than khóc".
 Anh Bàn Văn Sỉnh, Tổ trưởng Tổ tự quản Tiểu khu 249
 

Đối với trẻ em ở Tiểu khu 249, đất trời là sân chơi, còn cỏ cây, chim muông là bạn. Những sân chơi ấy có mặt ở khắp nơi, đó là nương rẫy, mảnh đất trước nhà, thậm chí là trên con đường đầy bụi đất. Chỉ một quả khô, các bé gái cũng vui vẻ truyền tay nhau cả ngày mà không biết chán. Một cái vỏ chai, các cậu bé cũng có thể bỏ đá vào lắc nghe cả buổi chiều. Một tấm gỗ ọp ẹp, cũng đủ để cả đám xúm vào ngả lưng, lăn lê, nghịch ngợm. Hay đôi khi chỉ là một cánh võng thôi là đủ để các em vui vẻ suốt hè. Đây cũng là cách mà hai anh em Hầu Văn Tiến (9 tuổi), Hầu Văn Ánh (6 tuổi) cùng các bạn trong xóm nhỏ tìm thấy niềm vui trong mùa hè. Cánh võng xỉn đen được mắc trên hai cành cây ven nhà đủ chắc chắn để lũ trẻ thỏa thích đung đưa, nhún nhảy.

Cách ngôi nhà nhỏ của gia đình Tiến không xa có một nhóm trẻ đến mùa hè là í ới, “họp mặt”. Trên chiếc giường đặt cạnh gốc cây ngoài sân, lũ trẻ quây quần giữa cái nắng đổ lửa của miền biên. Chẳng có gì để chơi, đứa ngồi nghe bà kể chuyện; các bé gái tranh thủ để người lớn buộc tóc, phụ mẹ nhặt măng; bé trai thì quanh quẩn dưới sân chơi đùa cùng chú chó nhỏ, nghịch đất cát…

Một tấm gỗ nhỏ cũng trở thành đồ chơi của đám trẻ.
Một tấm gỗ nhỏ cũng trở thành đồ chơi của đám trẻ.

Sinh sống trên miền đất còn thiếu thốn đủ bề, nên gần như không gia đình nào quan tâm đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu hay sinh nhật của trẻ. Thậm chí những món đồ chơi ngày hè cũng trở nên xa xỉ, bởi điều bố mẹ chúng đang phải lo lắng nhiều hơn là cơm áo, gạo tiền. May mắn là Tiểu khu vẫn thường nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, địa phương, các mạnh thường quân. Mỗi dịp ấy, lũ trẻ khá phấn khích vì được đón nhận những bộ quần áo phẳng phiu, chiếc cặp sách, món đồ chơi  mới...

Hè của các em ở Tiểu khu 249 vẫn trôi qua êm đềm bên những “sân chơi” thênh thang, rộng lớn. Dẫu thiếu thốn đủ bề, nhưng nụ cười trên những đôi môi xinh xắn ấy chưa bao giờ tắt. Chúng vẫn “họp mặt”, khúc khích chuyện trò, cùng tìm kiếm niềm vui cho tuổi thơ của chính mình. Niềm vui ấy tuy giản đơn, mộc mạc, nhưng đã giúp các em thêm trân quý tình người, yêu bố mẹ, quý trọng gia đình nhiều hơn bởi chúng rõ hơn ai hết, mình đã và đang lớn lên từ những gian khó ấy.

Anh Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.