Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ hội người dân tộc thiểu số đa năng

17:27, 19/10/2018

Được tín nhiệm giao đảm nhận công tác hội, nhiều cán bộ phụ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pắc đã phát huy tinh thần trách nhiệm để trở thành “cầu nối” gắn kết, đưa các phong trào Hội Phụ nữ ngày càng phát triển.

Chi hội trưởng phụ nữ học tập và làm theo gương Bác

"Năng động, nhiệt tình, chịu thương chịu khó..." là nhận xét của nhiều người khi nhắc đến chị H’Blới Kbuôr, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn K’mrơng, xã Hòa An.

Tham gia công tác phụ nữ ở địa phương từ năm 1996, chị H’Blới luôn gương mẫu trong công việc, giản dị trong cuộc sống nên được người dân trong và ngoài buôn quý mến. Chị H’Blới tâm sự: “Trước đây khi mới được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn K’mrơng, chi hội chỉ có 10 hội viên. Ngày đó, để thuyết phục được một chị em vào hội là điều hết sức khó khăn, bởi dường như không ai mặn mà. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, mình bỏ công sức đi gặp gỡ, vận động chị em rất nhiều lần. Ban đầu thuyết phục từ người thân, họ hàng rồi dần dần mở rộng ra khắp buôn. Đến nay, số hội viên trong chi hội đã tăng lên 120 người, đặc biệt các chị em đã ý thức được và tích cực tham gia các phong trào của hội".

Để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, chị H’Blới Kbuôr còn tranh thủ tiếng nói của già làng.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, chị H’Blới Kbuôr còn tranh thủ tiếng nói của già làng.

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chị đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tham khảo các bài báo viết về các mô hình học tập và làm theo gương Bác ở các địa phương để tuyên truyền cho hội viên trong các buổi sinh hoạt chi hội. Qua đó lấy ý kiến góp ý của hội viên về từng mô hình cụ thể để lựa chọn mô hình tiêu biểu nhất để có thể vận dụng theo. Nhờ đó, hằng năm 100% hội viên phụ nữ trong chi hội đều đăng ký học tập theo Bác bằng các việc làm thiết thực mà trước hết là thực hiện tiết kiệm chi tiêu để xây dựng quỹ giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn.

Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chị H’Blới đã hiến gần 100 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ tích cực vận động, người dân trong buôn cũng đã tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền để làm đường giao thông và các công trình khác. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, chị đã vận động người dân hiến 820 m2 đất và đóng góp 100 triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông đi qua nhà cộng đồng buôn…

Không chỉ hoàn thành tốt công tác hội, chị H’Blới Kbuôr còn tích cực lao động sản xuất, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài gần 1 ha cà phê kinh doanh, chị nuôi thêm bò và 3 con heo nái để cung cấp giống cho người dân trong buôn. Hằng năm, sau khi trừ chi phí gia đình chị H’Blới thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thu nhập ổn định, chị có điều kiện để giúp đỡ các hội viên khó khăn bằng hình thức cho vay không lãi.

Phó Chủ tịch Hội “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Xông xáo, nhiệt tình, tận tâm với công tác hội và lo chu toàn việc gia đình đã giúp chị H’Rôda Ayun, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Kênh tạo dựng hình ảnh cán bộ hội “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, được chị em quý mến. 

Sau nhiều năm làm cộng tác viên dân số buôn Ea Đun, cuối năm 2011, chị H’Roda  được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kênh kiêm Chi hội phó phụ nữ buôn Ea Đun. Để tạo sự gần gũi với chị em, ngoài các buổi sinh hoạt, chị H’Roda còn tranh thủ thời gian làm đổi công vào mùa gặt lúa, thu hoạch cà phê và những việc hiếu hỉ trong buôn để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của chị em và lồng ghép tuyên truyền hoạt động hội.

Chị H'Roda Ayun chăm sóc vườn cà phê xen tiêu và cây ăn trái  của gia đình.
Chị H'Roda Ayun chăm sóc vườn cà phê xen tiêu và cây ăn trái của gia đình.

Nhận biết nhiều chị em có suy nghĩ vào hội phải đóng hội phí mà chưa biết được hưởng quyền lợi gì, chị đã kiên trì vận động, thuyết phục bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông. “Mưa dầm thấm lâu”, rồi nhiều người cũng hiểu ra tham gia tổ chức hội không chỉ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, các chính sách, quyền lợi của phụ nữ mà còn được tín chấp vay vốn làm ăn, giúp đỡ nhau khi ngặt nghèo… Nhờ vậy, Chi hội Phụ nữ buôn Ea Đun từ chỗ chỉ có 55 hội viên đến nay đã phát triển lên 119 hội viên.

Gắn hoạt động hội với phong trào xây dựng nông thôn mới, chị H’Roda đã cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã Ea Kênh tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp tiền, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi ở địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Hội LHPN xã  đã xây dựng “Con đường hoa” ở buôn Đrao; tổ chức ra mắt 3 mô hình điểm: “5 không, 3 sạch” ở Chi hội phụ nữ Tân Trung, Nhóm cha mẹ có con từ 0-6 tuổi ở Chi hội buôn Jế và mô hình Thu gom phế liệu ở Chi hội Thanh Xuân.

Không chỉ tích cực trong hoạt động hội, chị H’Rôda còn làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Chồng là bộ đội công tác xa nhà, mình chị chăm sóc 8 sào cà phê xen canh bơ, sầu riêng, 2 sào lúa, chăn nuôi thêm heo, gà; dạy dỗ 2 con ăn học và chăm sóc cho mẹ già.

Chi hội trưởng phụ nữ vùng sâu năng động

Vừa là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Lạng Sơn, xã Ea Yông, chị Nguyễn Thị Thu Hương (dân tộc Nùng) còn kiêm nhiều “vai” như thành viên tổ hòa giải thôn, đại biểu HĐND xã. Ở vị trí nào, chị cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thôn Lạng Sơn có hơn 100 hộ, phần lớn là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào. Trước đây chị em chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ yếu là độc canh cây cà phê hoặc lúa và rất “ngại” tham gia hoạt động hội. Để chị em "cởi mở" hơn trong suy nghĩ và việc làm, chị Hương đã tổ chức thành lập các tổ phụ nữ đổi công theo từng cụm dân cư giúp nhau thu hoạch mùa màng và cả khi gia đình có hiếu hỉ. Tranh thủ những lúc đó, chị khéo léo lồng ghép, tuyên truyền, vận động chị em. Nhờ vậy, Chi hội phụ nữ thôn Lạng Sơn đã xóa được hộ “trắng” hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, chị còn vận động hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế tổng hợp trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế đa cây, đa con.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế đa cây, đa con.

Quan điểm của chị Hương là muốn nói để chị em nghe trước tiên bản thân mình phải gương mẫu, bắt đầu từ chính việc phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, vợ trồng chị đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp đa cây, đa con với thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm; trở thành điểm tham quan học tập cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Để hỗ trợ hội viên khó khăn, chị Hương cũng đã đứng ra vận động thành lập mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với sự tham gia của tất cả hội viên, huy động quỹ được 71 triệu đồng cho chị em khó khăn vay luân phiên; tín chấp cho hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, đến nay các hộ hội viên phụ nữ ở thôn Lạng Sơn đều phát triển được mô hình đa cây, đa con, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Khả Lê - Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.