Multimedia Đọc Báo in

Bánh trung thu handmade "vào mùa" sớm

06:19, 10/09/2017
Dù còn gần một tháng nữa mới đến tết Trung thu nhưng trên các trang mạng xã hội, các loại bánh trung thu tại nhà (handmade) với những kiểu dáng bắt mắt và màu sắc rực rỡ đã được rao bán rầm rộ. Cùng với đó, các lớp học dạy làm loại bánh này cũng sôi động không kém.
 
Hấp dẫn nhờ kiểu dáng độc đáo
Với ưu điểm là nguyên liệu tự làm, không chất bảo quản, có thể lựa chọn mẫu mã, hương vị, bánh trung thu handmade dù mới “chào sân” 2 - 3 năm trở lại đây nhưng đã khẳng định được sức hút với người tiêu dùng. Điểm ấn tượng của bánh trung thu handmade năm nay là sự sáng tạo không ngừng trên mỗi loại bánh, sự “biến tấu” của người làm bánh với đủ loại kiểu bánh, hình dáng, màu sắc, thậm chí là cả nhân bánh.
 
Theo chân một người bán bánh trung thu handmade, tôi được “mục sở thị” hàng loạt bánh trung thu với mẫu mã vô cùng độc đáo. Bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái, bánh trung thu hoa nổi năm nay có nhiều sự biến tấu thú vị. Không chỉ có những cánh hoa, loại bánh nướng hiện đại này còn có thêm các hình ngộ nghĩnh như: con cá, lồng đèn, mặt trăng,… Không còn “đóng khung” trong 2 màu truyền thống nâu cánh gián và trắng, bánh trung thu handmade còn được khoác lên mình nhiều “bộ cánh” rực rỡ như: màu xanh của trà matcha, màu đen của tinh than tre, màu nâu của bột ca cao, màu vàng của nghệ tây… Nhân bánh có thêm nhiều sự phá cách mới mẻ như nhân trà xanh – hạnh nhân, tiramisu, smoothie, hải sản, phô mai lắc… Thậm chí, có tiệm bánh online còn hướng đến khách hàng cao cấp với các loại nhân đặc biệt như: vi cá, hải sâm, sò điệp… 
 
Các học viên tham gia lớp học làm bánh trung thu hiện đại ở 16 Hải Thượng Lãn Ông, P. Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.
Các học viên tham gia lớp học làm bánh trung thu hiện đại ở 16 Hải Thượng Lãn Ông, P. Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.
 
“Bên cạnh bánh trung thu truyền thống với kiểu dáng đơn giản thì còn có các loại bánh trung thu hiện đại như hoa nổi, rau câu trung thu, bánh dẻo lạnh, bánh ngàn lớp…. Ở mỗi loại bánh, chúng tôi lại có sự sáng tạo mới về kiểu dáng, phù hợp với nhiều lứa tuổi khách hàng. Các kỹ năng làm bánh được phối hợp với nhau để tạo ra một chiếc bánh nghệ thuật thực sự. Như trên bánh trung thu hoa nổi có phương pháp tạo màu loang để làm ra mặt nước trong xanh, các kiểu làm bánh Nhật như Namagashi cũng được học hỏi khi bắt cánh hoa. Một chiếc bánh có thể 4 đến 5 màu như một bức tranh thu nhỏ vậy. Nhiều khách hàng sau khi nhận bánh còn nói không nỡ ăn vì quá đẹp. Thời điểm này, dù mới “đầu mùa” nhưng  tôi cũng nhận được ít nhất 30 đơn hàng bánh trung thu mỗi ngày”, chị Hoàng Thị Vân Xuân, chủ tiệm bánh online Tina Cake (ở  phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ.
 
Sôi động các lớp học làm bánh trung thu
Các lớp dạy làm bánh trung thu cũng nhộn nhịp không kém khi nhiều người nội trợ, các bạn trẻ muốn tập tành kinh doanh. Theo tìm hiểu, mặt hàng này có lợi nhuận khá lớn, một chiếc bánh dao động từ 50.000 – 80.000 đồng tùy loại, trong 2 tháng có thể bán tới cả ngàn chiếc bánh, có người hết mùa bánh trung thu có thể thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Chị Trần Thị Thu Trang, chủ cửa hàng nguyên liệu và dụng cụ làm bánh Hyta’s Mart (33 Giải Phóng, P. Tân An) cũng là chủ của phòng dạy và học bánh Baking House (ở 16 Hải Thượng Lãn Ông, P. Tân Lợi) cho hay: “Bánh trung thu handmade đang được rất nhiều người ưa chuộng nên nhu cầu học loại bánh này rất lớn. Có bạn tự học trên Internet nhưng cũng có nhiều bạn muốn được học bài bản để có thể kinh doanh ngay, tránh mất thời gian loay hoay tìm hiểu. Từ tháng 5 đến nay, lớp trung thu truyền thống đã mở được 10 buổi, lớp trung thu hiện đại 8 buổi, mỗi lớp có 5 đến 6 học viên tham gia, học phí từ 1- 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi tuần một lớp, nhưng có nhiều học viên đăng ký học tôi phải tăng suất thêm”. Được biết, ngoài các lớp dạy bánh chuyên nghiệp, nhiều người bán bánh online cũng tự mở lớp dạy và thu hút nhiều bạn trẻ.
 
Tham gia vào lớp học bánh trung thu hiện đại do chị Võ Kim Quy (ở P. Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) làm giáo viên hướng dẫn, các học viên thích thú trải qua nhiều giai đoạn làm bánh cầu kỳ. Theo chị Võ Kim Quy, khâu mất nhiều thời gian nhất là sên nhân, nhân càng được sên kỹ thì bánh càng được bảo quản lâu, ít hư hỏng. Sau khi bọc nhân, nhấn tạo hình bánh thì đến trang trí mặt bánh từ các cục bột đã pha màu. Đây là khâu cuối cùng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm bánh nhất. Từng cánh hoa, từng bộ phận tạo hình con cá, con bọ xít, mèo hello kitty…được các học viên cẩn thận chăm chút. “Em thích khâu trang trí bánh nhất vì có thể thỏa sức sáng tạo. Đây là lần đầu tiên em tự làm một chiếc bánh trung thu. Bánh tuy không khó làm nhưng đòi hỏi nhiều kỹ năng, phải luyện tập mới thuần thục được” bạn Trần Đức Minh Trang (SN 1996) học viên tham gia lớp học cho hay. 
 
Sự hấp dẫn từ các bánh trung thu handmade lạ mắt, độc đáo cùng trào lưu học làm bánh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự đoán sẽ là một năm “bội thu” của loại bánh này. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn thận lựa chọn những điểm bán bánh trung thu handmade uy tín để tránh mua phải bánh có nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
 
Thùy Duyên

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​