Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư điện gió: Động lực tăng trưởng công nghiệp năng lượng

08:16, 07/06/2021

Với việc hoàn thiện quy hoạch và ban hành nhiều chính sách, cơ chế mở, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.

Từ những dự án trọng điểm

Nhà máy điện gió đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh là Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo của Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió – HBRE (TP. Hồ Chí Minh) đã mở ra một hướng đi tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh.

Tháng 6-2019, dự án đi vào vận hành phát điện với công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (giai đoạn 1) đã trở thành dự án điện gió đầu tiên tại Tây Nguyên hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Theo lộ trình đầu tư, từ nay đến năm 2022, công ty này sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (công suất 110 MW) và giai đoạn 3 (300 MW).

Cột gió dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo. Ảnh: Minh Thông
Cột gió dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo. Ảnh: Minh Thông
Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu, giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu phát triển NLTT đạt công suất 2.000 - 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 3.000 – 4.000 MW, chiếm 26,6% tổng nguồn NLTT quốc gia. Đối với điện gió, công suất năm 2025 đạt 1.000 MW, lưới điện truyền tải giải tỏa được công suất 1.500 MW.

Có quy mô công suất 400 MW với tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam đang được triển khai đầu tư xây dựng tại các xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang (huyện Ea H’leo), sau khi hoàn thành sẽ là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay. Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án này vào cuối năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư đã tích cực triển khai, hoàn thành các thủ tục đầu tư liên quan theo quy định pháp luật như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối; chấp thuận cao độ tĩnh không xây dựng dự án Nhà máy điện gió Ea Nam và đường dây 500kV đấu nối dự án; bổ sung dự án vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương và một số thủ tục khác có liên quan…

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, tháng 4-2021, dự án đã căn bản hoàn thành công tác giải tỏa đền bù, triển khai san lấp thi công các bệ móng của 84 trụ gió. Dự án đang nỗ lực đẩy nhanh đầu tư xây dựng, phấn đấu hoàn thành theo đúng tiến độ dự kiến vào tháng 10-2021.

Hướng đến mục tiêu trung tâm năng lượng Tây Nguyên

Tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển NLTT. Cụ thể, điện gió có thể đạt quy mô công suất hàng chục nghìn MW, tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh với tốc độ gió đạt 6 m/s trở lên; điện mặt trời có thể khai thác với công suất 16.000 MWp, bức xạ trung bình đạt 4,7 – 5 kWWh/m2/ngày. Về điện sinh khối, với nguyên liệu dồi dào từ các phụ phế phẩm nông nghiệp, có thể sản xuất điện đạt công suất 120 MW.

Thi công lắp đặt thiết bị tại dự án Nhà máy điện gió Ea Nam.
Thi công lắp đặt thiết bị tại dự án Nhà máy điện gió Ea Nam.

Ngày 15-7-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển NLTT tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là "cú hích" lớn về cơ chế, tạo động lực phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đang tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và liên tục, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện. Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển NLTT.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quý I-2021, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đạt 10.185,96 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI thuộc lĩnh vực điện gió, có tổng vốn đăng ký đạt 10.088 tỷ đồng. Trong số đó, Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore) có 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỷ đồng, gồm: nhà máy Alpha VNM tại các xã Ea Sol, Dliê Yang và Ea Hiao (huyện Ea H’leo), diện tích gần 6,5 ha, công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng; nhà máy Beta tại các phường Đạt Hiếu, An Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), diện tích 10,9 ha, công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng.

Hương Lê